Người dắt xe máy vi phạm nồng độ cồn vẫn bị xử phạt

Tấn Thành 07/04/2023 11:11

Sáng ngày 7/3, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Phạm Xuân Linh, Văn phòng luật sư Thanh An thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ về những nội dung liên quan đến câu hỏi của bạn đọc: Sau khi uống bia rượu xong những người dắt xe máy từ quán nhậu về nhà thì có bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn và có bị xử phạt hay không?

Đội CSGT TP Tam Kỳ kiểm tra nồng nộ cồn người điều khiển xe máy.

PV: Luật sư cho biết, người dắt xe máy khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở có cồn có vi phạm quy tắc giao thông, có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?

Luật sư Phạm Xuân Linh: Căn cứ điểm c khoản 6 Điều 7; điểm e khoản 7 Điều 7 và khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) như sau:

Tại Khoản 6 Điều 7 Nghị định 100 quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: “Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

Khoản 7 Điều 7 Nghị định 100 đã quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: “Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở”;

Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100 quy định: Ngoài hình phạt tiền, còn phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe theo quy định của từng trường hợp cụ thể.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam lập biên bản người vi phạm nồng độ cồn.

Đối chiếu với quy định nêu trên của pháp luật, thì người dắt xe máy nếu vi phạm nồng độ cồn nêu trên là hành vi vi phạm quy tắc giao thông và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bởi vì, pháp luật quy định là “người điều khiển xe”, chứ không phải chỉ quy định “người lái xe”. Do đó chúng ta phải hiểu rằng, khi người dắt xe là người đó đang điều khiển xe mới đúng quy định của pháp luật.

Bởi lẽ, người dắt xe nếu say xỉn tham gia giao thông trên đường vẫn gây nguy hiểm cho xã hội nên pháp luật quy định rất chặt chẽ là “người điều khiển xe” mà không phải là “người lái xe”, mặc dù trên thực tế người dắt xe say xỉn xét về tính chất, mức độ nguy hiểm khi tham gia trên đường là ít hơn so với người say sỉn lái xe trên đường. Tuy nhiên nếu say xỉn dắt xe không cẩn thận, không làm chủ được khiến xe va, ngã vào người tham giao thông gây tai nạn thì càng nguy hiểm, càng đáng phải xử phạt.

Vì vậy, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà CSGT giải quyết hợp lý, hợp tình, có thể cân nhắc xử phạt hoặc chỉ nhắc nhở đối với trường hợp dắt xe có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở vi phạm quy định nêu trên để người dân ý thức hơn trong việc tham gia giao thông đường bộ.

Ví dụ như một người dắt xe máy vi phạm nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở quy định tại điểm c khoản 6 Điều 7 Nghị định này, thì có thể CSGT chỉ cần nhắc nhở, vì thực tế họ đã có ý thức và việc dắt xe như vậy cũng ít gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tấn Thành