Công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội

Nguyễn Chung (thực hiện) 08/04/2023 07:10

Với mục tiêu phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư được đánh giá là mang nhiều nét mới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy.

PV: Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Bà có đánh giá như thế nào về nội dung của chỉ thị này?

Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện đề án “Giám sát, phản biện xã hội”, ngày 26/10/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chính thức ban hành Chỉ thị số 18 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là sự kiện quan trọng, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ thị tiếp tục khẳng định: Thực hiện giám sát, phản biện xã hội là góp phần phản ánh tâm tư, thái độ, nguyện vọng của quần chúng nhân dân về những chủ trương, đường lối của Đảng; phát huy sự tham gia của quần chúng nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.

Thưa bà, vậy điểm mới trong công tác giám sát, phản biện xã hội theo nội dung của Chỉ thị 18 là gì?

- Có thể thấy rằng, Chỉ thị 18 ra đời trong thời điểm hiện nay mang nhiều nét mới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể: Chỉ thị đã xác định các cấp ủy, tổ chức đảng phải tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Hàng năm, ban thường vụ cấp ủy cho ý kiến về chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của MTTQ cùng cấp, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.

Chỉ thị nêu rõ quan điểm chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân; trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; cơ chế để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử…

Bên cạnh đó, Chỉ thị 18 nhấn mạnh: MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Tăng cường giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã có giải pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, thưa bà?

- Để phát huy tốt vai trò của MTTQ các cấp trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, cũng như phát huy hiệu quả nội dung của Chỉ thị 18, một trong những yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, bản lĩnh, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.

Trong đó tập trung vào các giải pháp như: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về công tác giám sát, phản biện xã hội; Xây dựng, cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ Mặt trận, nhấn mạnh yếu tố đức - tài và bản lĩnh chính trị cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó, đổi mới công tác đánh giá cán bộ Mặt trận theo tiêu chuẩn chức danh, khách quan, toàn diện, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo; gắn trách nhiệm của cá nhân với tập thể; người đứng đầu, cá nhân lãnh đạo được phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn.

Nâng cao chất lượng quy hoạch và luân chuyển cán bộ Mặt trận, đưa cán bộ các nơi khác về Mặt trận để rèn luyện qua thực tiễn; tập huấn theo hướng chuyên sâu, gắn với từng nội dung cụ thể của từng chương trình giám sát để từ đó có cách làm đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, cần có cơ chế động viên, khuyến khích đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội để giám sát và phản biện của Mặt trận thực sự là giám sát của nhân dân.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Chung (thực hiện)