'Lỗ hổng' an toàn hàng không: Kỳ 2 - Nhân văn hay trục lợi?

Nhóm Phóng Viên 12/04/2023 14:19

Nhiều người tham gia môi giới hỗ trợ dịch vụ bay không cần giấy tờ tuỳ thân ở các sân bay nội địa để trục lợi. Nhưng đại diện maketing một hãng hàng không khi làm việc với nhóm phóng viên đã phủ nhận việc hãng này liên quan đến đường dây môi giới dịch vụ bay, trục lợi bất chấp an toàn bay dù xác nhận đã từng hỗ trợ hành khách không có giấy tờ hợp lệ và khẳng định những trường hợp được hỗ trợ này đều xuất phát từ mục đích “nhân văn”.

Tuy nhiên trên thực tế, theo quan sát của phóng viên tại các sân bay thì nhiều hành khách phải qua môi giới nộp từ 1-3 triệu đồng mới được hỗ trợ. Vậy ai đang lợi dụng lý do nhân văn của các hãng để trục lợi? Quy định nào dành cho các trường hợp ngoại lệ, các trường hợp vì lý do nhân văn?

Không qua môi giới phải chấp nhận lỡ chuyến bay

Ghi nhận trên các chuyến bay nội địa, nhóm phóng viên chứng kiến không ít câu chuyện đáng thương cảm vì không có giấy tờ tuỳ thân hợp lệ khi lên máy bay.

Một tối đầu tháng 12/2022, ở Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài chúng tôi gặp anh N.V.H. quê ở Bình Phước mua vé máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines bay Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh.

Gương mặt thất thần, đôi mắt sưng lên vì khóc, H. cho biết, con mình bị tại nạn, đang cấp cứu nguy kịch nên anh phải bay về gấp. Ra sân bay anh H. mới biết quên giấy tờ tuỳ thân, dù đã trình bày hoàn cảnh và xin sự hỗ trợ từ những người mặc đồng phục hãng bay nhưng không được chấp nhận. Sau đó, anh H. bỏ lỡ chuyến bay tối đó, quay về nhà trọ tìm giấy tờ để kịp bay chuyến khác ngày hôm sau.

Một hành khách muốn ra Hà Nội thăm con nhưng không thể bay vì chứng minh thư đã hết hạn. Ảnh cắt từ clip ở sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 8/3/2021.
Một hành khách muốn ra Hà Nội thăm con nhưng không thể bay vì chứng minh thư đã hết hạn. Ảnh cắt từ clip ở sân bay quốc tế Đà Nẵng .

Hay giữa năm 2022, ở Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, chị N.T.N. hốt hoảng ra sân bay để kịp chuyến bay hãng Vietnam Airlines ra Hà Nội. N. vừa khóc vừa cho biết, bà nội của mình mất nên cần về quê Phú Thọ gấp để kịp viếng bà, chứng minh thư cũ hết hạn, căn cước công dân mới chưa được cấp nên chị N. bị từ chối lên máy bay. Dù đã năn nỉ nhân viên hãng và lực lượng an ninh giúp đỡ, nhưng chị N. nhận được chỉ là câu trả lời "không đủ điều kiện bay". Vì chị N. có điều kiện hơn anh H và sẵn sàng chi trả gần 2 triệu đồng cho môi giới để được hỗ trợ bay không cần giấy tờ và chị N. đã được lên máy bay đúng như dự định. Tuy nhiên số tiền chị N. phải chi trả còn cao hơn cả vé máy bay lúc đó và chị N cũng không biết số tiền đó đầu mối môi giới dịch vụ chia cho những ai.

Ghi nhận thực tế tại các cảng hàng không quốc tế, việc hành khách để quên/ thiếu hay làm mất giấy tờ ở sân bay khi làm thủ tục lên máy bay chẳng xa lạ gì. Theo thông tin của Trung tâm An ninh hàng không - Cảng HKQT Nội Bài cung cấp cho báo chí, năm 2022 mỗi ngày có khoảng 200 trường hợp trục trặc về giấy tờ tùy thân.

 Hành khách chuyển khoản dịch vụ bay cho các hãng đại lý bán vé máy bay khi quên giấy tờ tuỳ thân.
Hành khách chuyển khoản dịch vụ bay cho các hãng đại lý bán vé máy bay khi quên giấy tờ tùy thân.

Lý do không lên được máy bay phần lớn là giấy tờ bị hết hạn sử dụng hoặc bị mờ, trẻ em đủ 14 tuổi nhưng chưa kịp làm chứng minh nhân dân/căn cước công dân; trẻ em dưới 14 tuổi chỉ mang giấy khai sinh bản photocopy, hành khách quên không mang theo giấy tờ tùy thân, mất giấy tờ tuỳ thân.

Một phụ nữ đang ngồi khóc vì không thể bay do chứng minh thư hết hạn. Ảnh cắt từ clip ở Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Làm việc với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, không có trường hợp nào ngoại lệ trong việc thiếu giấy tờ tùy thân khi lên máy bay, theo quy định, kể cả bản chụp hay photo (không công chứng) giấy tờ tùy thân cũng đều là không hợp lệ và bị từ chối lên máy bay.

Tuy nhiên trên trang web noibaiairport.vn, có bài viết "Câu chuyện trục trặc giấy tờ tuỳ thân khi đi tàu bay", chị Lê Thị Việt Hà - đội trưởng Đội An ninh soi chiếu quốc nội - Trung tâm An ninh hàng không - Cảng HKQT Nội Bài chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày có từ 100 đến 200 trường hợp hành khách vướng giấy tờ tùy thân”; “Tùy mức độ trục trặc về giấy tờ tùy thân, trong một số trường hợp, hãng hàng không sẽ linh hoạt xem xét và hỗ trợ hành khách”.

Có hay không việc mượn lý do nhân văn để trục lợi?

“Nhiều hành khách khi đến cửa kiểm soát ANHK mới phát hiện ra giấy tờ tùy thân bị hết hạn, bị mờ không đủ điều kiện thực hiện chuyến bay” - thông tin trên noibaiairport.vn.

Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến công việc hỗ trợ bay của một số nhóm đối tượng trở nên “béo bở”, mạng lưới hoạt động rộng, chặt chẽ từ Bắc chí Nam. Trên các nhóm, diễn đàn giới thiệu có thể "lo bay" toàn bộ các hãng máy bay đến tất cả cảng hàng không cả nước mà không cần giấy tờ tùy thân với mức phí 1 - 3 triệu đồng/lượt và thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Trên chuyến bay QH0144 của hãng Bamboo Airways từ Đà Nẵng ra Hà Nội, hành khách A. (tên viết tắt) khi báo với nhân viên hãng thực trạng mình đã mất hết giấy tờ tuỳ thân khi vào đây du lịch. A. mong muốn được hãng và lực lượng an ninh hỗ trợ kịp bay về Hà Nội, nhưng đáp lại là sự lắc đầu, từ chối. Nhưng khi chi số tiền 1 triệu đồng cho đại lý, A. được chính nhân viên mặc đồng phục hãng Bamboo Airways lúc nãy từ chối giờ lại tích cực hỗ trợ, kết nối với nhân viên mặc đồng phục an ninh dẫn trực tiếp qua cửa kiểm soát bằng lối VIP.

Một hành khách chuyển khoản dịch vụ bay để được lên máy bay của hãng Bamboo Airways khi không có giấy tờ tuỳ thân.
Một hành khách chuyển khoản dịch vụ bay để được lên máy bay của hãng Bamboo Airways khi không có giấy tờ tuỳ thân.

Hay cùng chuyến bay QH0144 của hãng Bamboo Airways, hành khách N.(tên viết tắt HHN) không có giấy tờ tùy thân sau khi chuyển tiền triệu cho đầu mối môi giới thì được cấp ngay một tờ giấy có con dấu Bamboo Airways để lên máy bay.

Hành khách không có giấy tờ tuỳ thân khi bay trên chuyến bay của hãng Vietjet Airlines cũng được đầu mối cấp tờ giấy “thông hành” có tên hãng Vietjet Air và chữ ký của người nhân danh đại diện Vietjet Nội Bài.

Tờ giấy có con dấu Bamboo Airways, tờ giấy có chữ ký nhân danh đại diện Vietjet Nội Bài dành cho hành khách không có giấy tờ tùy thân khi lên máy bay có giá trị pháp lý như thế nào? Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy quy định cụ thể trên hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến giấy tờ tuỳ thân khi lên máy bay của hành khách.

Để lên máy bay, hành khách phải qua nhiều cửa an ninh với giấy tờ tùy thân.

Không chỉ hãng Bamboo Airways, Vietjet Air mà nhân viên hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hay Jetstar Pacific… cũng khai thác vận chuyển hành khách không có giấy tờ tuỳ thân.

Trên chuyến bay của hãng Vietnam Airlines từ TP HCM ra Huế, hành khách L. (tên viết tắt) không có giấy tờ tùy thân sau khi chuyển tiền gần 2 triệu đồng cho đầu mối môi giới thì được nhân viên mặc đồng phục hãng này cùng nhân viên mặc đồng phục an ninh hỗ trợ đưa lên máy bay.

Tương tự, trên chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh của hãng Jetstar Pacific, vì quên giấy tờ tuỳ thân, hành khách tên T. (tên viết tắt) phải chi trả gần 2 triệu đồng cho đại lý bán vé máy bay. Sau đó, T. được người mặc đồng phục hãng này cùng những người mặc đồng phục an ninh phối hợp, hỗ trợ đưa lên máy bay theo cửa ưu tiên.

Từ năm 2021 đến nay nở rộ "cò’"hỗ trợ bay không giấy tờ tuỳ thân với chi phí từ 1 đến 3 triệu đồng.

Dường như có sự liên kết ngầm giữa các đại lý bán vé máy bay với đội ngũ những người hoạt động ở các sân bay để hỗ trợ bay cho hành khách không có giấy tờ tùy thân và thu lợi hàng triệu đồng/ hành khách.

Từ quá trình ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên, những đại lý bán vé máy bay cho biết, hành khách muốn được hỗ trợ bay đều phải chi ra những số tiền hàng triệu đồng, tuỳ theo từng chặng, tuỳ từng sân bay để chi phí cho nhân viên hãng và lực lượng kiểm soát.

Trao đổi với phóng viên về tình trạng trên, một chuyên gia hàng không nhận định: Chưa đề cập đến những vẫn đề mất an toàn hy hữu, vấn đề có nguy cơ nhiều hơn khi để hành khách không có giấy tờ tuỳ thân hợp lệ lên máy bay là có thể dẫn đến nguy cơ gian lận, hành khách sử dụng vé không phải của mình mà của người khác đã mua mà bỏ vé và cũng khó có thể tránh khỏi việc trà trộn lên máy bay để trộm cắp tài sản của hành khách khác. Khi lên máy bay, tất cả các hành khách phải tự chịu trách nhiệm bảo quản tài sản của mình vậy nên nếu có kẻ xấu trà trộn lên máy bay và đặc biệt trong tình trạng không có giấy tờ tuỳ thân thì cũng rất khó để tìm lại và người thiệt thòi vẫn là những hành khách bị mất đồ.

Hiện Cảng HKQT Nội Bài và các cảng hàng không khác trong nước đang tuân thủ Thông tư 13/2019/TT-BGTVT về Giấy tờ về nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay; Thông tư số 41/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung 1 số nội dung trong Phụ lục XIV-Thông tư 13/2019/TT-BGTVT để kiểm soát GTTT của khách đi tàu bay. Tuy nhiên tại các văn bản này lại không có quy định cho trường hợp ngoại lệ, nhân văn. Việc linh động trong những trường hợp nhân văn là cần thiết nhưng cũng cần có những căn cứ pháp lý quy định để tất cả các hành khách đều được đối xử công bằng khi họ có những lý do đáng được đối xử nhân văn. Việc các hãng, các cảng hàng không, nhân viên kiểm soát tự ý linh động mà không có quy định pháp lý cụ thể thì khó có thể tránh khỏi những trường hợp lợi dụng lý do nhân văn để trục lợi và hành khách khó có thể đòi hỏi được đối xử công bằng. Hiện nay đường dây nóng chủa chúng tôi vẫn liên tục nhận được những phản ánh và các bằng chứng về việc bị đối xử “bất công” ở các sân bay.

Như vậy, các giấy “thông hành” do đầu mối dịch vụ hỗ trợ bay cung cấp đang là ẩn số về giá trị pháp lý, các ký hiệu lạ trên vé máy bay của hành khách không có giấy tờ tuỳ thân và mật khẩu của “giao liên” tại các Cảng hàng không… cũng đang là những ẩn số đối với khách hàng sau khi trả phí “dịch vụ bay”.

Nhóm Phóng Viên