Khúc giao mùa

NHƯ TRANG 09/04/2023 09:24

Năm nay nhuận tháng hai âm lịch, nên nhiều người cứ ngỡ thời gian còn chùng chình xuân lắm. Đâu đó vẫn còn những đám rước hội làng. Nhưng nhìn lên lịch dương, thì đã sang tháng tư.

Tranh: Chu Lượng.

Ừ nhỉ, tháng tư về nhanh đến bất ngờ. Mùa này, nếu nhìn lên những hàng cây trên phố Hà Nội, thì rõ ràng thấy cây xanh đang cựa mình mạnh mẽ. Những thân cành khẳng khiu của phượng, của bằng lăng, của bàng đã, đang xanh mơn mởn, xanh mỡ màng những búp, những chồi, những lộc… Nếu chịu khó quan sát, sẽ thấy mùa này, cây xanh mang một vẻ đẹp kỳ diệu. Vẻ đẹp của sự biến đổi từng ngày…

Sau rất nhiều chờ đợi, một đợt không khí lạnh tràn về. Suốt đêm nằm nghe gió thổi qua các tán cây, qua mái hiên, đập vào cửa kính mà lòng hồi hộp, xen lẫn vui vui. Bởi cũng như những trận mưa tháng tư, ngọn gió giao mùa bao giờ cũng mang đến những điều mới mẻ.

Quả vậy, sáng ra, cả Hà Nội như bừng thức sau nhiều ngày oi bức, nồm ẩm. Dòng người trên phố dường như nhẹ nhõm hơn vì không còn ngột ngạt, mệt nhọc sau những tuần thời tiết khó lường. Vui nhất có lẽ những hàng cây dọc các con phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng… Sau một đêm mưa, rồi lại một đêm gió mùa, cây cối dường như biết bảo nhau rắc lá vàng xuống khắp vỉa hè, lòng đường. Theo chiều lăn của bánh ô tô, xe máy, gió cuốn lá lên như ngàn vạn con bướm bay chấp chới trong rừng già, như từng đàn chim nhỏ nhảy nhót tung tăng reo ca. Bạn tôi còn đồ rằng, sắc vàng trong tranh của nhiều họa sĩ đang sống ở Hà Nội cũng khởi hứng từ những thảm lá trải dài khắp phố phường Hà Nội những khoảnh khắc giao mùa này.

Vào thời khắc giao mùa, Hà Nội lại đón nhận mùa hoa loa kèn với sắc trắng và hương thơm thanh khiết. Trong cơn gió lạnh sáng nay, tôi đã thấy nhiều chuyến xe chở loa kèn ngược xuôi trong phổ cổ. Một bà cụ lưng còng, tóc bạc, khuôn mặt đã in rất nhiều dấu năm tháng chợt bừng lên khi thấy cô hàng hoa quen của mình đỗ trước cửa nhà trên phố Hàng Vải.

Bà nâng niu từng bông hoa, tẩn mẩn chọn lựa kĩ càng rồi nhẩn nha cắm từng cành vào cái bình gốm đã được dùng riêng để cắm loại hoa này suốt mấy chục năm qua. Bà cụ bảo, năm nào cũng chờ được cắm lọ loa kèn đầu tiên của mùa, như chờ đợi người yêu đến thăm nhà thời thiếu nữ. Dù nắng, dù mưa, ốm đau hay vui buồn, thói quen ấy trong bà chưa bao giờ thay đổi. Nhìn bình hoa là như được gặp lại những năm tháng đã qua trong cuộc đời mình. Chỉ đến khi bà về trời hoặc không còn sống ở Hà Nội nữa, thì bà mới thôi chờ đợi.

Còn tôi, mỗi khi nhìn một bình hoa loa kèn, nhất là khi nó được cắm trên tầng 2 của một ngôi nhà cổ có cửa sổ nhìn xuống phố thì tôi thấy rằng, hầu như chưa có một loại hoa nào gắn với Hà Nội mật thiết đến thế. Suốt từ thuở các thiếu nữ còn mặc áo dài không chiết eo, đeo kiềng bạc và mái tóc thì vấn nhẹ trước trán, cặp hờ sau vai, khoác chiếc làn trong đó có những bông hoa lấp ló phía trong, thả từng tiếng guốc nhỏ thanh trên vỉa hè hay thời hiện đại, các cô, các chị váy ngắn, buộc hoa sau những chiếc xe máy đắt tiền hối hả trên phố thì hoa loa kèn vẫn có gì khác đâu. Vẫn cái dáng hoa vươn cao kiêu hãnh, với màu trắng xanh thon thon. Và cái chính là, mỗi năm loa kèn chỉ có một mùa, nở dồn đập trong những tháng cuối xuân đầu hè mà thôi. Ai mải mê chơi, mải mê làm, mải mê tính toán, đến khi ngẩn người ra, hoa chỉ còn lại chút hương vương sót. Đành ngậm ngùi chờ đến mùa sau. Mà khi ấy, ta đã lại thêm một tuổi nữa rồi.

Đấy, gió về gợi nên biết bao suy tưởng. Gió về, Hà Nội dường như cồn lên bởi một cơn sóng nhỏ. Và trái tim ta cũng khẽ đập xao xuyến lạ thường.

NHƯ TRANG