Yên Bái: Mạch sống mới sinh sôi
Những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể và chính quyền các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Trong đó phải kể đến sức lan tỏa của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh.
Bức tranh tươi sáng
Đặt chân tới Mù Cang Chải hôm nay, bức tranh tươi sáng về một miền quê đổi mới hiện hữu rõ nét ở những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát. Từ trung tâm phố huyện, những cung đường được thảm nhựa, bê tông rộng rãi, sạch đẹp thênh thang. Trong đó, đường điện, đường hoa, đường cây xanh đã bừng sáng cả một vùng quê. Còn nhớ, năm 2010 khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện vùng cao Mù Cang Chải gặp không ít khó khăn, trở ngại như nguồn thu ngân sách hạn chế, địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung nên khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng…Trải qua biết bao nỗ lực vượt khó, để rồi hôm nay, mỗi người dân Mù Cang Chải đều cảm nhận rõ sự “chuyển động” không ngừng, một mạch sống mới đang trỗi dậy, sinh sôi trên vùng đất này.
Bà Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải cho biết, trong hành trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã nhất quán quan điểm cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện, tiên phong đi đầu. Tinh thần nêu gương ấy đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, lôi cuốn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân góp công, góp của chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương làm thay đổi toàn diện diện mạo nông thôn của một huyện vùng cao. Để hiện thực hóa quyết tâm đưa Mù Cang Chải sớm cán đích huyện nông thôn mới, từ cấp huyện đến cơ sở đã thông qua nhiều nghị quyết, kế hoạch để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ.
Còn tại huyện Trạm Tấu, với đặc thù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của MTTQ và chính quyền địa phương nên đời sống của bà con các dân tộc nơi đây đang thay đổi từng ngày. Đặc biệt, khi thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện đã tuyên truyền đến 100% hộ dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, gia đình xanh - sạch - đẹp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Ông Lầu A Kỷ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu cho biết, chúng tôi luôn xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm xuất phát chứ không có điểm dừng. Việc hoàn thành các tiêu chí đã khó nhưng làm sao để giữ vững các tiêu chí lại càng khó hơn. Do đó, huyện sẽ tiếp tục phát huy nội lực, phát huy các thành quả đã đạt được, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí, đưa huyện ngày càng bứt phá vươn lên và tiến gần hơn đến đích huyện nông thôn mới trong một ngày không xa.
“Để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các Cuộc vận động do các cấp phát động, hằng năm, MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch hoạt động với những nội dung trọng tâm như: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương về hiến đất làm đường giao thông nông thôn; phòng chống tệ nạn xã hội, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân… với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc…”, ông Lầu A Kỷ chia sẻ.
Đa dạng các hình thức vận động
Cùng với sự nỗ lực thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, huyện Trấn Yên đã có những thành công nhất định. Ông Nguyễn Cảnh Hiếu - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trấn Yên chia sẻ, để thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021 - 2025, MTTQ huyện đã chủ trì, phối hợp với các đoàn thể duy trì tiêu chí về môi trường, thu gom rác thải, đảm bảo xanh, sạch, đẹp tại các xã đã công nhận nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, MTTQ huyện Trấn Yên còn hướng dẫn MTTQ cấp xã thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng quy định; vận động nhân dân hiến đất mở đường, xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng và trồng hoa hai bên đường giao thông nông thôn để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
“Trong năm 2022, MTTQ cơ sở trong huyện đã vận động nhân dân tự nguyện hiến trên 38.000 m2 đất, trị giá trên 2 tỷ đồng; ủng hộ trên 28.000 ngày công, trên 18 tỷ đồng đóng góp xây dựng các hạng mục, công trình nông thôn mới và 44 km đường giao thông nông thôn. Theo đó, trong năm 2022, huyện Trấn Yên cũng đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 37 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trong đó xây mới 29 nhà, sửa chữa 8 nhà; 19 nhà được hỗ trợ từ nguồn vận động Quỹ Vì người nghèo cấp huyện, kinh phí 950 triệu đồng; vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 5 hộ thoát nghèo; hỗ trợ 19 mô hình phát triển kinh tế, kinh phí 95 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo cấp huyện”, ông Nguyễn Cảnh Hiếu chia sẻ.
Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, ông Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và thực tiễn địa phương, giai đoạn 2022 - 2024, Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục đa dạng các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền, bảo đảm thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát và phản biện xã hội; triển khai có hiệu quả các phong trào, Cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ kết quả đạt được của các phong trào, các cuộc vận động, đời sống của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có bước tiến đáng kể.