Tại sao bệnh lây truyền từ động vật sang người lại tăng lên?

PV 09/04/2023 17:40

Vốn xuất hiện từ hàng ngàn năm trước, các bệnh lây truyền từ động vật sang người đã nhân lên gấp bội trong vòng 20 - 30 năm qua.

Loài dơi là một vật chủ chứa nhiều loại virus có thể gây bệnh cho con người. Ảnh: AFP.

Từ Covid-19 đến đậu mùa khỉ, Mers, Ebola, cúm gia cầm, Zika và HIV, các bệnh lây truyền từ động vật sang người đã gia tăng gấp bội trong thời gian gần đây, làm dấy lên mối lo ngại về những đại dịch mới.

Bệnh zoonosis là gì?

Bệnh lây truyền từ động vật sang người (zoonosis) là một loại bệnh hoặc nhiễm trùng lây truyền từ động vật có xương sống sang người và ngược lại. Các mầm bệnh có thể gồm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng.

Những căn bệnh này được truyền trực tiếp trong quá trình tiếp xúc giữa động vật và con người, hoặc gián tiếp qua thực phẩm hoặc qua vật trung gian truyền bệnh như côn trùng, nhện hoặc bọ ve.

Một số bệnh sau đó đã gây hậu quả nghiêm trọng cho con người, điển hình là Covid-19.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), 60% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật lây sang con người.

Những loại bệnh liên quan là gì?

Một số bệnh ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, chẳng hạn như nhiễm khuẩn salmonella. Một số ảnh hưởng khác đến hệ hô hấp, như cúm gia cầm và cúm lợn cũng như Covid-19, hoặc hệ thần kinh trong trường hợp bệnh dại.

Mức độ nghiêm trọng của những bệnh này đối với con người là khác nhau, không chỉ phụ thuộc vào loại bệnh và độc lực của mầm bệnh mà còn tình trạng sức khỏe của người bị nhiễm bệnh.

Những con vật nào có liên quan?

Dơi là một vật chủ chứa nhiều loại virus gây bệnh cho con người.

Một số mầm bệnh đã được biết đến từ lâu, chẳng hạn như virus bệnh dại, nhưng cũng có nhiều loại mới xuất hiện trong những thập kỷ gần đây, chẳng hạn như Ebola, SARS, coronavirus, SARS-CoV-2 hoặc virus Nipah, xuất hiện tại châu Á vào năm 1998.

Lửng và chồn sương thường liên quan đến các bệnh truyền nhiễm từ vật sang người do virus và đặc biệt là những bệnh do coronavirus gây ra.

Các loài động vật có vú khác như gia súc, lợn, chó, cáo, lạc đà và loài gặm nhấm cũng thường đóng vai trò là vật trung gian.

Tất cả các loại virus gây ra các dịch cúm lớn đều có nguồn gốc từ gia cầm, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Cuối cùng, côn trùng – điển hình là bọ ve – là vật trung gian truyền nhiều loại virus gây bệnh cho con người.

Tại sao bệnh lây truyền từ động vật sang người lại tăng lên?

Vốn xuất hiện từ hàng ngàn năm trước, các bệnh lây truyền từ động vật sang người đã nhân lên gấp bội trong vòng 20 - 30 năm qua.

Sự phát triển của ngành du lịch quốc tế đã cho phép chúng mở rộng nhanh hơn. Các hoạt động khác của con người cũng góp phần phá vỡ hệ sinh thái và thúc đẩy virus lây truyền.

Chăn nuôi công nghiệp làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh giữa các loài vật nuôi. Buôn bán động vật hoang dã cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc giữa con người với các vi khuẩn mà chúng có thể mang theo.

Nạn phá rừng khiến nguy cơ tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi và quần thể người trở nên cao hơn.

Nỗi lo về một đại dịch khác

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature năm 2022 cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy nhiều loài động vật chạy trốn khỏi hệ sinh thái của chúng để đến những vùng đất dễ sống hơn.

Khi tiếp xúc chéo xảy ra nhiều hơn, các loài sẽ truyền virus nhiều hơn và qua đó thúc đẩy sự xuất hiện của các bệnh mới có khả năng lây truyền sang người.

"Nếu không có chiến lược phòng ngừa, đại dịch sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, giết chết nhiều người hơn và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu với tác động tàn khốc hơn bao giờ hết", nhóm chuyên gia gia đa dạng sinh học của Liên hợp quốc cảnh báo vào tháng 10/2020.

Theo ước tính được công bố trên tạp chí Science năm 2018, có 1,7 triệu loại virus chưa được biết đến tồn tại trong các loài động vật có vú và chim, với 540.000 đến 850.000 trong số đó có khả năng lây nhiễm sang người.

PV