Quá tải bệnh nhân chạy thận
Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện đa số các bệnh viện trên địa bàn phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày vì số bệnh nhân đang điều trị lọc thận quá tải. Nhiều bệnh nhân chạy thận phải vào viện liên tục, cả ngày lẫn đêm, cả thứ 7 và Chủ nhật…
Tăng số ca bệnh nặng
TS.BS Nguyễn Bách – Trưởng khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất nhận định: “Tất cả các bệnh viện ở TPHCM đều quá tải chạy thận. Bệnh nhân chạy thận tăng khoảng 100%. Theo thống kê của Bệnh viện, có khoảng 60% là bệnh nhân thuộc TPHCM, 40% bệnh nhân các tỉnh lân cận. Đáng chú ý, ghi nhận nhiều ca bệnh nặng, rất nặng”.
“Mỗi ngày bệnh viện chạy thận nhân tạo cho 100 - 120 bệnh nhân, trong đó 100 bệnh nhân chạy định kỳ và 10 - 20 ca cấp cứu. Hiện khoa Nội thận – Lọc máu không thể tiếp nhận bệnh nhân chạy định kỳ, chỉ có thể tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu 24/24. Bệnh nhân vào viện liên tục, cả ngày lẫn đêm, cả thứ bảy và Chủ nhật. Khoa luôn bố trí sẵn 5 máy để lọc máu cấp cứu. Sau khi qua giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân ổn định, bệnh viện hướng dẫn bệnh nhân về điều trị ở cơ sở y tế ban đầu (quận, huyện) hay tỉnh có đơn vị thận nhân tạo” - BS Bách nói.
Trước tình trạng quá tải bệnh nhân thường và bệnh nhân nặng, TS.BS Bách cho rằng, bệnh viện xác định đây là làn sóng Covid-19 mới, hoặc là hậu Covid-19. Lý do bệnh nhân tăng quá nhiều, thậm chí xuất hiện những ca biến chứng nặng chỉ thấy cách đây 20 - 30 năm trước, giờ lại có với nhiều biến chứng.
“Bệnh viện ghi nhận có những ca cấp cứu trong tình trạng phù phổi, hôn mê phải hỗ trợ hô hấp mới chạy thận; có những ca kali trong máu lên đến 8.9 mmol/L, trong khi chỉ số bình thường của người bệnh thận ở mức 5 – 7 mmol/L” - BS Bách cho biết.
BS Từ Kim Thanh – Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Thủ Đức) cũng chia sẻ, gần đây khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến từ các bệnh viện khác và cả người bệnh ở các tỉnh. Khoa có 31 máy lọc thận nên có thể giải quyết cho khoảng 200 bệnh nhân một ngày (chạy 3 ca/ngày) và có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân chạy thận bằng cách tăng số ca chạy. Tuy nhiên như vậy thì nhân viên y tế sẽ rất vất vả, thậm chí là quá tải.
Theo TS. BS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày khoa có khoảng 170 lượt chạy thận định kỳ. Ngoài ra có khoảng 40 – 80 trường hợp cấp cứu. Do nhiều bệnh nhân điều trị, các máy chạy thận phải gánh từ 4 – 5 ca/ngày.
Sở Y tế TPHCM thông tin, hiện tại, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc bộ/ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người. Tăng nhanh so với cách đây 5 năm. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TPHCM chiếm tỷ lệ gần 20%.
Phân loại bệnh và thay đổi mô hình điều trị
Chỉ ra nguyên nhân quá tải chạy thận, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca suy thận tăng cao. Cụ thể, việc tầm soát bệnh đã phát triển, cho nên người mắc bệnh được phát hiện nhiều hơn. Ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân cao hơn. Kỹ thuật điều trị suy thận ngày càng tiến bộ, chi phí giảm đáng kể so với trước đây nên bệnh nhân được tiếp cận và điều trị sớm. Điều này giúp đời sống của bệnh nhân lọc máu kéo dài.
Còn đề cập đến nguyên nhân bệnh nhân chạy thận tăng đột biến trong thời gian gần đây, BS Bách cho biết, có thể trong 2 năm Covid-19 việc thăm khám và điều trị của bệnh nhân bị gián đoạn. Ngoài ra, bệnh nhân từ các tỉnh chuyền về rất nhiều.
Tuy nhiên, BS Bách cũng băn khoăn, bệnh nhân suy thận càng ngày càng tăng nhưng không thể tăng đột biến như vậy được, thường thì tăng từ từ. Có thể do thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị ở một số tỉnh nên bệnh nhân đổ dồn về thành phố nhiều hơn. “Theo thông tin tôi được biết, ở các tỉnh bác sĩ cũng than thiếu thuốc, thiếu màng lọc… buộc phải chuyển bệnh nhân. Có trường hợp, bệnh nhân thấy tình hình không ổn nên tự chuyển lên tuyến trên điều trị” - ông Bách giải thích.
BS Từ Kim Thanh cho hay, 1 máy lọc thận khoảng 400 triệu đồng, rồi hệ thống RO, kho chứa dịch, phòng rửa màng, phòng trữ màng… Nghĩa là cơ sở vật chất để triển khai lọc máu có thể cần diện tích gấp 2 – 3 lần các khoa phòng bình thường. Cũng theo BS Thanh, số bệnh nhân có thể tăng 50 – 100 bệnh nhân/năm nhưng đấu thầu trang thiết bị phải có kế hoạch lâu dài. Đơn cử, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mỗi năm tăng khoảng 50 bệnh nhân chạy thận, vì vậy cứ 5 năm là bệnh viện lại có máy mới.
Để bệnh nhân suy thận được điều trị tốt hơn, giảm tải tại các bệnh viện lớn, BS Nguyễn Bách cho rằng, cần tuyên truyền và hướng dẫn người dân phòng bệnh thận. Đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nên ưu tiên lọc màng bụng tại nhà. Việc này vừa giảm quá tải, vừa đỡ chi phí, đi lại cho người bệnh. Mô hình này đã được các nước như Thái Lan, Philippines,… áp dụng hiệu quả. Song song đó, cần nhân rộng cơ sở triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, đó là các bệnh viện tuyến quận – huyện, trạm y tế, y tế tư nhân. Các tỉnh cũng nên triển khai như vậy để điều trị bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng thì chuyển về tuyến trung ương.
Trước thực trạng quá tải bệnh nhân chạy thận, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, đa số các bệnh viện phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày nhưng vẫn đảm bảo không để thiếu các vật tư, dịch lọc trong hoạt động chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện.
Theo báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người (tăng rõ so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người). Điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TPHCM chiếm tỷ lệ gần 20%. Dự báo nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải tại các bệnh viện là khó tránh khỏi.