Dân số Việt Nam 100 triệu người: Cơ hội và thách thức – Bài 1: Dân số vàng, cơ hội vàng
Khi Việt Nam sắp đạt mốc 100 triệu người, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thông báo: “Đây nên được xem là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, và xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam bởi đây là minh chứng cho câu chuyện thành công”. UNFPA nhấn mạnh dân số 100 triệu người, bên cạnh thách thức thì cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước. Từ số này, Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài: “Dân số Việt Nam 100 triệu người: Cơ hội và thách thức” - để cùng nhận diện cơ hội và thách thức.
Chỉ còn ít ngày nữa dân số Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người. Cơ hội thị trường trăm triệu dân mở ra nhưng cũng không ít thách thức, nhất là trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, phải tận dụng bằng được cơ hội này.
Quy mô dân số 100 triệu người là nguồn lực vững vàng tạo ra cơ hội mới cho phát triển đất nước nhanh, bền vững. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Thời kỳ dân số vàng là cơ hội có một không hai để các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia.
Dân số Việt Nam đứng thứ 15 thế giới
Theo nghiên cứu của các nhà nhân khẩu học, mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định quy mô, cơ cấu của một dân số trong hiện tại và tương lai. Nếu mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội. Ngược lại, nếu mức sinh cao sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình đi lên của quốc gia, cũng như khó khăn cho từng gia đình.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, thực hiện cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình, mức sinh của người Việt Nam có thể nói là rất cân bằng, so với các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, tiến tới dân số 100 triệu, chúng ta hoàn toàn tự tin và coi đó chính là cơ hội vàng. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, khi các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia thì sự ra đời của công dân thứ 100 triệu là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Hiện Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Quy mô dân số những năm qua tăng tương đối ổn định, khoảng gần 1 triệu người/năm.
Theo Tổng cục Thống kê, vào thời điểm năm 2022, số người từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 75,4 triệu người, trong đó có 51,7 triệu người thuộc lực lượng lao động. Tuy nhiên, trong số đó có tới 73,8% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (bao gồm 3,7% người có trình độ sơ cấp, 1,9% người có trình độ trung cấp, 1,9% người có trình độ cao đẳng và 6,1% người có trình độ từ đại học trở lên).
Đây chính là thách thức đầu tiên và cũng là thách thức lớn nhất khi dân số tăng lên, cũng như sự đòi hỏi cấp bách về việc phát triển đất nước, với mục tiêu dân giàu - nước mạnh.
Vẫn theo con số năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động là 6,7 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, thu nhập của người lao động có sự khác biệt theo trình độ học vấn. Nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật có thu nhập là 5,7 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật là cao gấp 1,6 lần với khoảng 9,3 triệu đồng/tháng. Điều này càng đặt ra cấp bách hơn khi đất nước muốn ứng dụng công nghiệp 4.0 để tăng tốc phát triển.
Chìa khóa để phát triển
Nguồn lao động cho dù có dồi dào nhưng nếu không có nghề, tay nghề thấp thì sẽ khó có chỗ đứng khi mà máy móc ngày càng phát triển.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, rất cần nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ông Tiến cho rằng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay chưa cao, khoảng trên dưới 4.000 USD/năm. Vì vậy, bên cạnh việc tăng quy mô dân số, cần tăng năng suất lao động. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là một thách thức nhưng tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước thời điểm Việt Nam đạt mốc dân số 100 triệu người, ông Tiến cho rằng để tận dụng thời kỳ dân số vàng thành công cần nhiều yếu tố, đòi hỏi những chính sách phù hợp, như nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Tăng cường cơ hội việc làm, đặc biệt hướng tới những việc làm mang lại giá trị tăng thêm cao, tăng năng suất lao động. Đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên.
Cũng cần biết rằng xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, mà Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019, năm 2022 con số này khoảng 13% và dự báo đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Dự báo đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già". Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế - xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi.
Hi vọng, giấc mơ và giải pháp
Trở lại với thông báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, UNFPA cho rằng “100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho 100 triệu hi vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”.
UNFPA nhấn mạnh, Việt Nam hiện có tỉ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. 21,1% tổng dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 24. Thời kì dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa.
UNFPA nhấn mạnh, người dân Việt Nam ngày nay được sống khỏe mạnh hơn và hưởng thọ cao hơn là một thành tựu quan trọng. Song, sự suy giảm tỉ lệ sinh và hạn chế mức sinh trong những thập kỉ vừa qua đang khiến cho dân số Việt Nam già đi nhanh chóng.
“Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 khi dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân. Ngoài ra, do tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam, dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059” - nhận định của UNFPA.
UNFPA cũng đưa ra một số kiến nghị với Việt Nam, trong đó có việc để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỉ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Cần chớp lấy thời cơ vàng
Thời kỳ cơ cấu dân số vàng là cơ hội hiếm hoi để các quốc gia cất cánh về kinh tế. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Đối với nước ta, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài trong khoảng 30 năm. Vì vậy, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ dân số vàng để phát triển vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội “có một không hai” đối với các quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nền tảng và cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(Còn nữa)