Bước ngoặt nhiều dự án hạ tầng

ĐOÀN XÁ 10/04/2023 07:00

Sau một thời gian dài thực hiện, nhiều dự án hạ tầng quan trọng phía Nam đã có những bước ngoặt, chuẩn bị hoàn thành trong thời gian tới. Đó là các dự án cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Bến Lức-Long Thành, cầu Long Kiểng, cầu Nam Lý… đem đến những tín hiệu tích cực cho ngành giao thông.

Cầu Mỹ Thuận 2, dự án hạ tầng thực hiện vượt tiến độ ở phía Nam.

Là một trong những dự án quan trọng nằm trên trục cao tốc Bắc-Nam nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, dự án cầu Mỹ Thuận 2 từng gặp một số khó khăn ảnh hưởng đáng kể tới thời gian thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay dự án có nguồn vốn hơn 5.000 tỷ đồng này đã thực hiện tới những hạng mục cuối cùng. Theo chủ đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, dự án sẽ hợp long phần chính cầu vào đầu tháng 5 tới. Đây là hạng mục quan trọng và cơ bản nhất của toàn bộ công trình. Việc hợp long cầu Mỹ Thuận 2 sẽ là bước ngoặt, giúp dự án quan trọng này hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối năm nay. Được biết, hiện dự án đã hoàn thành khoảng gần 80% tổng khối lượng công việc, vượt kế hoạch so với dự kiến ban đầu. Ngoài nhiệm vụ kết nối các địa phương, cầu Mỹ Thuận 2 giúp giảm áp lực cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu, rút ngắn thời gian di chuyển của người dân ở nhiều tỉnh thành phía Nam.

Cũng gặp nhiều khó khăn và thậm chí đã bị tạm ngưng nhiều năm qua, dự án xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành nối tỉnh Long An và Đồng Nai cũng đứng trước bước ngoặt lớn khi được tái khởi công. Dự án này còn được “khích lệ” khi tổng nguồn vốn đầu tư giảm gần 1.250 tỷ đồng, đem đến cơ hội lớn hơn để nhanh chóng hoàn thành. Cụ thể, theo Bộ Giao thông vận tải, dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành dài 58km đến nay đã hoàn thành hơn 82% khối lượng công việc. Dự án gần như tạm ngừng thi công vào năm 2019. Khó khăn vướng mắc lớn nhất của dự án là 2 gói thầu xây cầu Bình Khánh và Phước Khánh (huyện Cần Giờ, TPHCM) do công ty nước ngoài thực hiện. Việc tái khởi động lại các gói này sẽ mất nhiều thời gian do các công ty nước ngoài cần thời gian chuẩn bị lâu hơn. Hiện dự án được ấn định mốc thời gian hoàn thành là tháng 9/2025. Dù chậm trễ hơn so với kế hoạch nhưng việc tháo gỡ được nhiều nút thắt để tái khởi động mở ra nhiều điểm sáng cho dự án trong thời gian tới.

Tương tự, 2 tuyến cao tốc quan trọng khác ở khu vực phía Nam là Dầu Giây-Phan Thiết và Phan Thiết-Vĩnh Hảo với tổng chiều dài 200km đi qua Đồng Nai, Bình Thuận từng gặp khó khăn lớn về nguồn cung vật liệu, nhưng hiện nay đang thực hiện những hạng mục cuối cùng để đưa vào khai thác. Được coi là trục cao tốc dài nhất phía Nam (cùng với TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), thời gian từ TPHCM đi các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận sẽ được rút ngắn một nửa nhờ trục cao tốc dài hơn 250km này.

Ở quy mô nhỏ hơn, một số dự án hạ tầng từng gặp nhiều khó khăn tại TPHCM cũng đã gỡ được nút thắt, chuẩn bị hoàn thành. Trong đó phải kể đến dự án xây dựng cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè. Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM, dự án cầu Long Kiểng sẽ hoàn thành vào ngày 2/9 tới. Theo đó, dự án có nguồn vốn gần 600 tỷ đồng, quy mô dài gần 700 mét và dành cho 4 làn xe hỗn hợp. Thông tin về dự án cầu Long Kiểng chuẩn bị hoàn thành đem đến niềm vui lớn cho hàng nghìn hộ dân trong khu vực. Nguyên nhân bởi dự án này được khởi công từ năm 2001, từng nhiều lần tạm ngưng rồi lại tái khởi động. Sau 23 năm, hạ tầng dân cư ở quanh khu vực đã thay đổi với tốc độ chóng mặt nhưng việc thiếu cầu khiến cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Vì vậy, đây không chỉ là bước ngoặt khi hoàn thành một dự án hạ tầng mà còn là bước ngoặt thay đổi đời sống xã hội của nhiều hộ dân.

ĐOÀN XÁ