Ngành bán lẻ khởi sắc

H.Hương 10/04/2023 08:00

Khái niệm về thị trường bán lẻ không còn đơn thuần là mua và bán một mặt hàng mà đã mở rộng ra cả những dịch vụ hỗ trợ và trải nghiệm tiêu dùng. Để cạnh tranh, các nhà bán lẻ phải liên tục đổi mới các kênh bán hàng ngoại tuyến và trực tuyến, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng ở chặng cuối như giao hàng tận nơi, giao hàng trong ngày...

Thị trường bán lẻ đang dần hồi phục với những tín hiệu tích cực. Ảnh: Quang Vinh.

Thêm thành viên gia nhập “đường đua”

Đầu tháng 4, chuỗi siêu thị Square Mart chính thức khai trương siêu thị đầu tiên tại quận 7, TPHCM. Như vậy, Square Mart là thương hiệu mới tiếp theo gia nhập “đường đua” bán lẻ “tỷ đô” cùng với các “ông lớn” như Bách Hoá Xanh, Win Mart, Kingfood Mart…

Đại diện Square Mart cho rằng, việc ra mắt Square Mart vào giai đoạn thị trường có sức mua kém do người dân thắt chặt chi tiêu không phải là quyết định liều lĩnh mà là kết qủa của quá trình nghiên cứu thị trường, tích luỹ cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm. Square Mart đánh giá, dư địa thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn rất lớn. Nếu doanh nghiệp (DN) nhạy bén nắm bắt xu thế, áp dụng được kỹ thuật công nghệ vào kinh doanh sẽ giành phần thắng. Bởi, các kênh bán lẻ truyền thống như chợ hay cửa hàng tạp hoá chiếm khoảng 75%, trong khi đó kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại chỉ chiếm khoảng 25%.

Thị trường Việt Nam đã có bước phát triển ổn định trong suốt giai đoạn 2017-2022, bất chấp những khó khăn của thời kỳ dịch bệnh Covid -19. Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng của nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%), số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%. Năm 2023 cũng đã có những kết quả đáng lưu ý, quý I/2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.187 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với quý I/2022, chiếm 78,9% tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước trong quý đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh; hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, tác động tới việc khai thác tiềm năng phát triển của thương mại trong nước. Cùng đó, vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng.

Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc bùng nổ công nghệ cũng giúp cho ngành bán lẻ ngày càng phát triển hơn. “Hiện nay người dân có thể ngồi tại nhà, tại nơi làm việc mà vẫn có thể mua sắm mọi thứ. Đây có lẽ là con đường phát triển tất yếu và duy nhất của ngành bán lẻ” – ông Tiền nói và cho rằng, để ngành bán lẻ phát triển, cần sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ và toàn bộ người sản xuất.

Bán lẻ dần hồi phục

Mặc dù kinh tế năm 2023 được nhận định tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nhưng theo giới chuyên gia, đây sẽ là năm phục hồi của ngành bán lẻ sau dịch Covid-19. Theo Bộ Công thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP.

TS Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thị trường bán lẻ đang phát triển tốt là nhờ vào GDP tăng trưởng ấn tượng qua các năm, hệ thống hạ tầng thương mại đang được cải thiện và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Đánh giá về thị trường bán lẻ năm 2023, Phó Tổng Giám đốc Thường trực WinCommerce Nguyễn Thị Phương chia sẻ, mặc dù kinh tế năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bán lẻ đang trên đà hồi phục. Vì vậy bên cạnh việc duy trì 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích tại 62 tỉnh thành, WinCommerce sẽ tiếp tục phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho hay, từ nay đến năm 2030 ngành Công thương đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, du lịch, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử... sẽ được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối chuyển dịch sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế.

H.Hương