Cẩn trọng biến chứng thủy đậu

Đức Trân 10/04/2023 10:00

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh viện đang điều trị một trường hợp trẻ sơ sinh gặp biến chứng nặng do mắc thủy đậu. Cụ thể, bé Đ.H. (27 ngày tuổi, ở Bắc Giang) nhiễm thủy đậu từ mẹ, khi trẻ được 14 ngày tuổi.

Bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu. Ảnh: TL.

Lúc này da trẻ xuất hiện các tổn thương dạng nốt phỏng ở da đầu, rồi lan ra toàn thân, liên tục có các cơn sốt 38.5 độ C, kèm theo ho nhiều, thở mệt. Trẻ được chẩn đoán viêm phổi trên bệnh nhân thủy đậu, điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh 4 ngày, tuy nhiên tình trạng suy hô hấp ngày càng tăng. Ngày 20/3, bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi trung ương.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã thăm khám, thực hiện siêu âm, chụp X – quang phổi, xét nghiệm máu và tiến hành điều trị theo phác đồ bệnh thủy đậu. Sau 7 ngày, trẻ dần hồi phục, các nốt ban phỏng nước đã khô và đóng vảy, viêm phổi được kiểm soát.

BS Nguyễn Phương Thảo - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường, vì vậy, việc cha mẹ cần nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Theo BS Thảo, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus thủy đậu có gây nên. ​​Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc trẻ mắc phải sau sinh do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh.

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng, nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn với nguy cơ tử vong cao (lên đến 30%) do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tủy, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Nguy cơ tử vong ở trẻ tăng lên khi người mẹ xuất hiện các triệu chứng nhiễm thủy đậu từ 5 ngày trước khi sinh cho đến 2 ngày sau sinh do không có đủ thời gian để hình thành và truyền kháng thể của mẹ cho con.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi mang thai từ 3-6 tháng, thai phụ nên lên kế hoạch tiêm phòng thủy đậu. Điều này không chỉ giúp mẹ phòng bệnh mà cũng ngăn chặn khả năng mầm bệnh lây sang cho trẻ. Sau khi bé chào đời, kháng thể này lại được tiếp tục phát huy qua đường sữa mẹ. Ít nhất trong 1 năm đầu đời, trẻ sẽ hạn chế nguy cơ mắc thủy đậu.

Nếu mẹ đang mắc thuỷ đậu phải được cách ly với trẻ cho đến khi không còn khả năng nhiễm bệnh cho con, thông thường từ 2 - 3 tuần. Đặc biệt, khi trẻ sơ sinh có những dấu hiệu mắc thủy đậu, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng gây nguy hiểm.

BS Thảo cũng cho biết nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da cho trẻ đúng cách, tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng càng nặng hơn.

Cần vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng cho con hàng ngày từ 2-3 lần bằng nước muối sinh lý vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, nếu không vệ sinh có thể gây bội nhiễm. Tắm cho trẻ bằng nước ấm đun sôi để nguội (hạn chế dùng xà phòng tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc). Sau khi tắm xong dùng khăn xô hoặc khăn loại chất coton dễ thấm, thấm nhẹ nhàng toàn thân, mặc quần áo thoáng mát và có thể bôi xanh methylen, để sát khuẩn… Đồng thời, cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, không ăn kiêng, nếu trẻ đau miệng có thể cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống sữa, ăn cháo. Nếu trẻ đang bú mẹ, vẫn cho con bú bình thường.

Đức Trân