Tiêm vaccine sớm để phòng ung thư cổ tử cung

Đ.Trân 10/04/2023 09:00

Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau ung thư vú. Thông tin từ Bệnh viện K cho biết, Việt Nam có hơn 9.000 ca mắc mới và có hơn 3.000 ca tử vong mỗi năm vì căn bệnh này.

Tiêm vaccine là biện pháp tối ưu phòng bệnh ung thư do viurs HPV gây ra.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung (90-100% ung thư cổ tử cung có HPV dương tính). Ngoài ra, ung thư cổ tử cung còn do các yếu tố nguy cơ khác như hành vi tình dục, nhiễm trùng, nhiễm Herpes virus, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, dinh dưỡng…

BSCKI Hoàng Trọng Điểm - chuyên khoa ung bướu cho biết: Nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục khoảng 15 tuổi đã được chứng minh là cao gấp đôi so với những người quan hệ tình dục sau 20 tuổi.

Đáng nói hơn, theo các chuyên gia, tại Việt Nam, phần lớn người bệnh đến khám và điều trị ung thư cổ tử cung khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. BS Phạm Thị Diệu Hà – Bệnh viện K cho hay: Hầu hết các tình trạng nhiễm HPV đều có thể tự lành. Một số trường hợp virus không được đào thải hết, tình trạng nhiễm virus mạn tính dai dẳng này có thể gây ra các biến đổi trên các tế bào cổ tử cung, nếu như không được phát hiện và điều trị có thể hình thành các thương tổn tiền ung thư, và cuối cùng tiến triển đến ung thư.

Ở hầu hết các trường hợp, ung thư cổ tử cung phát triển rất chậm, có thể mất từ 15-20 năm ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Với người bị suy giảm miễn dịch, ung thư cổ tử cung diễn tiến nhanh hơn khoảng 5-10 năm. Loại ung thư này thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể bị đau thắt lưng và chảy máu hoặc tiết dịch bất thường... Tuy nhiên, những triệu chứng cũng có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác.

Mặc dù vậy, các bác sĩ cho biết, ung thư cổ tử cung có thể dự phòng và điều trị triệt để nhờ tiêm ngừa, khám phụ khoa và tầm soát định kỳ. Nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư, tỷ lệ điều trị lên tới 95-98%. Bên cạnh đó, dù nhiễm HPV không thể chữa khỏi, thế nhưng, hiện nay đã có vaccine phòng ngừa những type HPV gây bệnh phổ biến nhất.

Vaccine phòng HPV hoạt động tốt nhất nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với HPV. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, nên tiêm phòng cho các bé gái từ 9-14 tuổi, khi hầu hết chưa bắt đầu hoạt động tình dục. Cần tiêm đầy đủ 3 mũi theo đúng lịch để đảm bảo hiệu lực của thuốc.

Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến cáo, việc tầm soát để phát hiện sớm tiền ung thư, ung thư cổ tử cung cũng cần được ưu tiên hàng đầu. Nữ giới nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung từ 21 tuổi trở lên. Các xét nghiệm tầm soát bao gồm: Tế bào học nếu âm tính sẽ thực hiện mỗi 2 năm/lần; xét nghiệm HPV đơn thuần nếu âm tính có thể thực hiện 3 năm/lần hoặc bộ đôi tế bào học và HPV, nếu âm tính có thể lặp lại mỗi 3- 5 năm một lần.

Đ.Trân