Thời tiết ngày thêm cực đoan
Từ “sông khí quyển”, “bom bão tuyết”, lốc xoáy, lũ lụt... cho tới hạn hán, cháy rừng, bão bụi và những trận giông lốc kinh hoàng - từ đầu năm tới nay nước Mỹ đã phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong khi đó, ngày 9/4, Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh cho biết tình hình cũng không khá hơn khi nước này ẩm ướt nhất trong vòng 40 năm.
Bão và lốc xoáy vắt từ tháng này sang tháng khác
Dẫn lời giới chuyên gia, hãng tin AP cho rằng do vị trí địa lý và địa hình đa dạng khiến Mỹ chịu ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan thường xuyên với thiệt hại nặng nề hơn so với các nơi khác trên thế giới. Mỹ được bao quanh bởi 2 đại dương gồm Thái Bình dương và Đại Tây dương. Phía nam là Vịnh Mexico. Địa hình này khiến các cơn bão dễ va chạm và tạo ra luồng gió xoáy gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan.
Mỹ cũng là nơi chứng kiến sự xung khắc nhiệt độ giữa không khí lạnh ở Bắc Cực và không khí ấm hơn ở vùng nhiệt đới. Điều kiện tự nhiên này dễ gây ra các cơn lốc xoáy và các cơn bão nghiêm trọng.
Kể từ cuối tháng 3 đến nay, lốc xoáy càn quét nước Mỹ, khiến ít nhất 32 người thiệt mạng. Trong khi đó Cơ quan khí tượng Mỹ dự báo thời tiết nguy hiểm vẫn có thể còn kéo dài vào khoảng giữa tháng 4.
Những người thiệt mạng trong đợt lốc xoáy vừa qua thì có tới 9 trong số 15 trường hợp ghi nhận ở quận McNairy (bang Tennessee). Quận trưởng Larry Smith cho biết, trong số người thiệt mạng có 4 người sống trong cùng một tòa nhà, 1 trong số ít nhất 72 tòa nhà bị phá hủy ở McNairy.
Còn tại thành phố Memphis, 2 trẻ em và 1 người lớn đã thiệt mạng khi cây đổ vào nhà của họ do lốc xoáy. Phát ngôn viên cảnh sát Memphis Christopher Williams cho biết chưa bao giờ người dân lại chứng kiến một cơn lốc xoáy kinh hoàng đến thế.
Hơn 180.000 ngôi nhà và cơ sở sản xuất bị mất điện ở 8 bang miền Nam và miền Đông nước Mỹ chỉ trong ngày 2/4, khi gió thổi mạnh, giông bão và lốc xoáy làm đổ cây cối, cắt đứt đường dây điện và biến bất cứ thứ gì bị bỏ lại ngoài trời thành những vật thể nguy hiểm. Tâm điểm của trận cuồng phong rơi vào bang Arkansas, khi sức gió lên tới 265 km/giờ. Nó hoành hành trên khu vực dài 48 km và rộng khoảng 2 km. Thống đốc bang Arkansas, bà Sarah Huckabee Sanders đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang này, đồng thời phải kêu gọi sự hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh quốc gia.
“Thời tiết ngày một khắc nghiệt hơn” - đại diện Văn phòng Dịch vụ thời tiết thành phố Little Rock (thủ phủ bang Arkansas) cho biết. Giông bão và lốc xoáy đã xé toạc mái và tường của nhiều tòa nhà ở Arkansas, lật đổ nhiều ô tô và quật đổ cây cối, đường dây điện ở các khu vực rộng lớn ở phía đông và đông bắc bang. Bệnh viện Khoa học Y tế của Đại học Arkansas - trung tâm y tế lớn duy nhất của khu vực phải đặt trong tình trạng báo động.
Cảnh sát trưởng Wynne Richard Dennis trả lời phỏng vấn của đài truyền hình KAIT8-TV nói rằng, Arkansas đã phải đương đầu với trận bão lốc mang tính hủy diệt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc nói chuyện với các thị trưởng của Little Rock và Wynne. Ông cũng đã trao đổi với Quản trị viên Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang (FEMA) Deanne Criswell. “Thời tiết hỗn loạn đợt này xảy ra cách một tuần sau khi một loạt giông bão khác gây ra lốc xoáy chết người tàn phá thị trấn Rolling Fork của bang Mississippi, phá hủy nhiều ngôi nhà và khiến 26 người chết. Chúng ta cần cảnh giác hơn khi mà thời tiết ngày một thất thường, cực đoan” - ông Biden nói.
Nước Anh chìm trong ẩm ướt
Trong khi đó, bên kia bờ đại dương, nước Anh lại chìm trong ẩm ướt. Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cho biết, tháng 3/2023 là tháng ẩm ướt nhất ở nước này trong vòng 40 năm qua và nó vẫn chưa chấm dứt. Dữ liệu từ Met Office cho thấy trong tháng 3 lượng mưa lên tới 111,3mm, cao hơn 91% so với mức trung bình nhiều năm.
Xứ Wales cũng ghi nhận tháng 3 có lượng mưa lên tới 197,5mm. Trong khi Bắc Ireland có lượng mưa 137,4mm - nhiều hơn mức trung bình 58%.
Tiến sĩ Mark McCarthy - người đứng đầu Met Office cho biết, mặc dù từ nhiều tháng trước nước Anh bắt đầu lạnh và khô, nhưng không khí ẩm, nhẹ hơn đã sớm được đẩy lên từ phía nam, mang theo những đợt mưa lớn thường xuyên. Lượng mưa kỷ lục tại Anh là 147,2 mm được ghi nhận vào tháng 3/1947. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cơ quan Môi trường và Chủ tịch Nhóm hạn hán quốc gia John Leyland cho biết, số giờ nắng trong tháng 3 cũng thấp hơn nhiều năm.
“Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức rõ sự thay đổi của thời tiết với nhiều bất thường. Đó là cách để chúng ta sống trong một Trái đất đang có nhiều dấu hiệu bất ổn” - tiến sĩ John Leyland nói.
Tây Ban Nha đã phải gồng mình chống chọi với hơn 100 đám cháy rừng ở miền Bắc nước này. Vụ cháy rừng đầu tiên ở Tây Ban Nha trong năm 2023 thuộc khu vực Valencia. Hơn 500 lính cứu hỏa với sự hỗ trợ của 18 máy bay chữa cháy đã chiến đấu với giặc lửa trong suốt nhiều ngày đêm. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng những đám cháy rừng sớm bất thường này là bằng chứng cho thấy tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực và tàn phá cuộc sống người dân. Theo hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS), 2022 là năm cháy rừng nghiêm trọng nhất tại Tây Ban Nha, với 493 vụ cháy, thiêu hủy 307.000 ha đất. Trong khi đó, số vụ cháy rừng trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao.