Phi hành đoàn đặc biệt
Ngày 9/4, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chính thức công bố danh sách 4 phi hành gia cho Sứ mệnh Artemis 2 quan sát Mặt trăng, trong đó có 1 phụ nữ.
Phi hành đoàn thực hiện Sứ mệnh Artemis 2 lần này gồm kỹ sư Christina Koch (44 tuổi), người đang giữ kỷ lục nữ phi hành gia thực hiện chuyến bay liên tục dài nhất trên không gian và là thành viên của nhóm toàn bộ 3 phụ nữ lần đầu tiên trước đó đã thực hiện chuyến đi bộ trong không gian. Bà đảm nhận vai trò chuyên gia cho chuyến bay này.
Người thứ hai là Victor Glover (46 tuổi), thuộc lực lượng Hải quân Mỹ và từng thực hiện 4 cuộc đi bộ trong không gian. Ông được giao nhiệm vụ làm phi công. Glover cũng là phi hành gia da đen đầu tiên thực hiện Sứ mệnh Artemis.
Người thứ ba là đại tá Không quân Hoàng gia Canada Jeremy Hansen, người Canada đầu tiên tham gia Sứ mệnh Artemis. Chỉ huy chuyến bay là Reid Wiseman - phi công lái tiêm kích của Hải quân Mỹ. Cả ông Hansen và ông Wiseman đều 47 tuổi.
Theo kế hoạch, tháng 11/2024, Artemis 2 sẽ đánh dấu chuyến bay có người lái đầu tiên sau hơn 50 năm kể từ chương trình Apollo, nhưng không phải là sứ mệnh đáp xuống Mặt trăng. Chuyến bay sẽ kéo dài 10 ngày là đi qua Mặt trăng và quay lại Trái đất, nhằm thể hiện năng lực của tàu vũ trụ Orion và những hệ thống hỗ trợ cho các chuyến du hành xa hơn trong lai.
Artemis 2 sẽ đi qua và cách phần tối của Mặt trăng 10.300 km trước khi quay lại. Đây sẽ là cuộc hành trình xa nhất mà con người từng thực hiện, với khoảng cách 370.000 km so với Trái đất.
Trước đó, ngày 11/12/2022, tàu vũ trụ Orion đã đáp xuống Thái Bình dương một cách an toàn sau sứ mệnh lịch sử quanh Mặt trăng; đánh dấu việc kết thúc của Sứ mệnh Artemis 1 mang tính bước ngoặt của cơ quan vũ trụ Mỹ. Khi cách mặt đất khoảng 7,3 km, nó bung dù để giảm tốc độ trước khi lao xuống biển ngoài khơi bán đảo Baja California (Mexico).
Chuyến bay đạt tốc độ trung bình khoảng 40.000 km/giờ khi quay trở lại Trái đất. Nó đã di chuyển tổng cộng 2,25 triệu km trong không gian trong suốt quãng thời gian 25,5 ngày; đi qua ở khoảng cách chỉ 130 km so với bề mặt Mặt trăng. Con tàu cũng đã chạm tới cột mốc 430.000 km từ Trái đất - đây là khoảng cách xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ nào được thiết kế để chở người đã bay.
“Sau Artemis 1 và 2, Mỹ dự tính kế hoạch Artemis 3 đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng (chứ không phải là bay quanh Mặt trăng như 2 lần trước). Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra sớm vào 2026” - Bill Nelson, Quản trị viên NASA cho biết.