Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định theo hướng thực hiện dân chủ, công khai minh bạch về quy hoạch sử dụng đất trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đất ở của người dân.
Theo ông Hùng, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai. Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn cho các chủ thể sử dụng đất. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế, bất cập, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Vì vậy, Ban soạn thảo Luật Đất đai cần nghiên cứu nghiêm túc, khoa học về định hướng sử dụng đất quốc gia trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững đất nước; lấy nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất là tư tưởng chủ đạo và định hướng cơ bản việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo.
Cùng với đó là thực hiện dân chủ, công khai minh bạch về quy hoạch sử dụng đất trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đất ở của người dân, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định của pháp luật.
Nêu ý kiến về giải quyết việc làm và sinh kế bền vững cho người dân ở khu vực tái định cư khi bị thu hồi đất, TS Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần phải kết hợp nhiều hình thức khác như hỗ trợ chuyển đổi nghề, ưu tiên đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài, ổn định cho hộ gia đình, cá nhân người dân bị thu hồi đất. Nên có kế hoạch rõ ràng gắn với quyết định thu hồi đất một cách cụ thể, hợp lý về giải quyết việc làm và giải quyết sinh kế bền vững cho người dân ở khu vực tái định cư khi bị thu hồi đất; tham khảo, xem xét, rút kinh nghiệm từ những vụ việc thực tế để đưa vào luật nhằm phù hợp với thực tiễn, tránh những bức xúc, khiếu kiện của người dân.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về đất xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ.
Ông Hùng kiến nghị, Chính phủ và Ban soạn thảo Luật Đất đai cần tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Đồng thời xem xét Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển quản lý nhà ở xã hội, từ đó phát hiện, đánh giá những vấn đề phù hợp với thực tiễn cuộc sống và những vấn đề gì vướng mắc, bất cập trong cuộc sống để nghiên cứu đưa vào Luật Đất đai, làm cơ sở gắn với Luật Nhà ở.
“Ban soạn thảo Luật Đất đai cần rà soát lại toàn bộ các luật, nội dung nào không đồng bộ với Luật Đất đai thì cần xem xét kỹ lưỡng, sửa đổi đồng bộ để khi ban hành luật này có hiệu lực trong cuộc sống. Đây là vấn đề rất khó khăn, không đơn giản, cần sự quyết tâm, triển khai có bài bản, khoa học, có tính pháp lý, làm có trách nhiệm vì dân, vì sự phồn thịnh của đất nước” – ông Hùng đề xuất.