Học lớp 3 đã lo lớp… 6

Thu Hương 11/04/2023 06:26

Đây là thực tế ghi nhận tại nhiều gia đình ở các thành phố lớn khi muốn trẻ giành được một suất học tại các trường THCS chất lượng cao ngoài công lập, trường dân lập.

Hình ảnh cổng Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cuối tuần qua chật cứng phụ huynh đến đón con sau khi kết thúc buổi kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6 một lần nữa cho thấy sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với việc học tập của con luôn là ưu tiên hàng đầu. Theo kế hoạch, năm nay nhà trường tuyển 560 học sinh lớp 6, chia đều 2 cơ sở. Và số hồ sơ thực tế nhà trường nhận được là hơn 4.000. Những thí sinh này đã tham gia xét tuyển bằng bài đánh giá năng lực với kiến thức 3 môn gồm Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ.

Mặc dù thống kê tỷ lệ chọi năm nay khoảng 1/6 so với mọi năm chỉ khoảng 1/5 nhưng tất cả phụ huynh và thí sinh đều hiểu rằng, nếu kết quả của con xếp ở số 561 thì đồng nghĩa với việc mất cơ hội vào trường. Vì vậy, đây là một cuộc thi thực sự khốc liệt với tất cả các thí sinh.

Tương tự, nhiều ngôi trường khác ở Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm lớn của người học và gia đình. Tùy vào hình thức xét tuyển mà phụ huynh sẽ chuẩn bị cho con từ sớm, thậm chí là từ năm lớp 3, lớp 4 bởi xét về kết quả học tập sẽ là cả quá trình 5 năm tiểu học. Các bài kiểm tra dù theo hình thức nào cũng đều đòi hỏi sự ôn luyện, rèn giũa không chỉ về mặt kiến thức mà đòi hỏi kỹ năng nổi trội.

Chị Nguyễn Thanh Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình dự định cho con trai đang học lớp 6 Trường Tiểu học Đại Kim thi 3 trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội, THCS-THPT Lương Thế Vinh và Trường Chất lượng cao THCS Thanh Xuân vì gần nhà, con đi học đỡ vất vả. Dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng, bắt đầu học thêm từ năm lớp 4 với hai giáo viên luyện thi có tiếng ở Hà Nội từng có nhiều học sinh đỗ vào các trường này những năm trước, nhưng chị cũng chưa thực sự tự tin vì quá nhiều bạn giỏi, chăm chỉ và con trai chị cũng còn một phần chưa cẩn thận. “Tôi vẫn chuẩn bị phương án học trường công lập đúng tuyến cho con nếu không đỗ ở các trường này, nhưng không nói với con vì sợ con lại buông lơi, không cố gắng” – chị Nga cho hay.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, việc cha mẹ mong muốn con học trong các ngôi trường tốt, chất lượng giáo dục vượt trội hơn là điều hoàn toàn có thể chia sẻ. Tuy nhiên, không thể vì thế mà bằng mọi cách phải ép con thi đỗ, thậm chí tìm cách chạy trường, chạy lớp cho con dù năng lực học tập của các em hạn chế. Điều này khiến học sinh phải chịu áp lực tâm lý lớn có thể không phù hợp với lứa tuổi còn nhỏ. Dù các em này đỗ hay trượt cũng đều sẽ rất vất vả khi học ở ngôi trường này (vì đuối hơn các bạn khác) hoặc chán nản, buồn bã vì không đỗ như kỳ vọng của bố mẹ…

“Mỗi nhà trường cần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục để học sinh có môi trường học tập tốt và phát huy khả năng của mình được tốt nhất. Không nhất định cứ phải là trường chuyên, lớp chọn như quan niệm của nhiều người, bởi chỉ tiêu thì ít, học sinh có nguyện vọng thì quá đông nên chắc chắn không thể đáp ứng được hết” - ông Lâm nói.

Thu Hương