Hệ lụy từ những ao nuôi tôm
Là vựa lúa lớn nhất cả nước, vùng Đồng Tháp Mười (chủ yếu trên địa bàn tỉnh Long An, một phần ở Đồng Tháp, Tiền Giang) được quy hoạch là vùng chuyên canh sản xuất cây lúa. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân ồ ạt chuyển đổi sang nuôi thuỷ sản (chủ yếu là tôm) gây ra nhiều hệ luỵ.
Đi dọc theo trục đường ĐT 819 qua địa bàn huyện Mộc Hoá, Tân Hưng, Tân Thạnh… (tỉnh Long An) dễ dàng thấy hàng trăm ao nuôi tôm, nuôi cá tra của được đào, quây tường bao bằng lưới thép chắc chắn. Ngoài ra nhiều ao đều xây dựng kèm theo các công trình kiên cố để phục vụ việc chăn nuôi như nhà, hệ thống lọc nước, dây điện hay cả internet…
Ông Nguyễn Văn Hưng, một người dân ở xã Thạnh Hưng, huyện Mộc Hoá cho biết, nhiều ao nuôi tôm ở khu vực này do người nơi khác tới thuê nuôi. “Do cây lúa có lợi nhuận thấp và thi thoảng còn có vụ thua lỗ nên một số hộ dân chuyển qua nuôi tôm. Nuôi tôm thì rủi ro cao hơn, có vụ được vụ mất. Tuy nhiên, nếu được một vụ (khoảng 4 tháng) thì mỗi héc-ta có thể lãi tới 700-800 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn, gấp vài chục lần so với trồng lúa khiến nhiều hộ bất chấp rủi ro để đầu tư. Một số người ở địa phương khác cũng tìm tới thuê đất, thuê ao sản xuất tôm. Ngoài ra còn một số ít ao ở đây nuôi cá tra, diêu hồng… Dọc tuyến kênh 79 này mấy chục cây số, chỗ nào cũng có ao nuôi tôm hết” - ông Hưng cho biết.
Nói về các ao nuôi tôm này, người dân địa phương cho biết ảnh hưởng khá nhiều tới năng suất cây lúa, nhất là những cánh đồng có nhiều ao nuôi. “Nuôi tôm hiện nay phải thường xuyên lọc nước và tạp chất. Tất cả những tạp chất thải này đều thải ra môi trường qua kênh 79 kia hết. Mà kênh 79 là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho cả mấy huyện trong vùng, nếu bị ô nhiễm thì nguy cơ rất khó lường. Đặc biệt thời điểm này mùa khô, mấy tháng liền không mưa nên nước rất dễ bị ô nhiễm và khó cải tạo lắm” - ông Hưng kể tiếp.
Được biết, khoảng 3 năm qua, chính quyền các địa phương cấp xã, huyện ở khu vực thường xuyên xử phạt về các ao nuôi tôm, thuỷ sản này nhưng số lượng ao vẫn đều đều mọc lên. Hầu hết các ao nuôi và công trình nhà cửa phụ trợ đi kèm đều xây dựng trái phép nhưng vì nhiều nguyên nhân vẫn tồn tại giữa những cánh đồng lúa ở khu vực này. Ngoài việc dễ dàng chuyển từ đất lúa sang đào ao nuôi tôm, khu vực Đồng Tháp Mười này còn có đặc thù khác là nước ngầm (thường sâu khoảng 50-80 mét) là nước lợ. Dù ở bề mặt chủ yếu là nước ngọt và cách xa biển nhưng nước ngầm ở khu vực này có độ mặn rất phù hợp với nhiều loại tôm. Vì vậy dù bị xử phạt, việc chuyển sang nuôi tôm trên đất lúa vẫn âm thầm diễn ra trong những năm qua.
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, tổng số diện tích ao nuôi tôm ở khu vực huyện Mộc Hoá, Tân Thạnh, Tân Hưng… là khoảng 300ha. Thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh khoanh vùng, siết chặt công tác quản lý các ao nuôi tôm này nhằm tránh việc phát sinh mất kiểm soát. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, bà Khanh cho rằng, qua đo đạc, kiểm tra chưa phát hiện các chỉ số bất thường môi trường nước trong khu vực. Tuy nhiên, nguy cơ về phát sinh các mầm bệnh trong tôm nuôi lây lan ra môi trường là có thể xảy ra.
Trong khi đó, UBND tỉnh Long An cho biết chủ trương của địa phương là không đồng ý cho người dân chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm ở khu vực Đồng Tháp Mười do đây là vùng sinh thái nước ngọt. Trong khi hầu hết các hộ nuôi tôm sử dụng nước ngầm (khoan giếng) nước lợ. Việc lạm dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm trên vùng nước mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, xử phạt và giao cho các địa phương kiên quyết ngăn chặn ngay từ đầu với những ao nuôi mới phát sinh.