Những rừng keo tràm đợi cứu - Bài 1: Người trồng lao đao, doanh nghiệp gặp khó
Nhiều năm qua, cây keo tràm là “nguồn sống” của hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 trở lại đây, giá của loại cây này đang xuống thấp, nhiều công ty đã tạm dừng thu mua do hàng tồn đọng không xuất đi được, thậm chí một số công ty phải đóng cửa khiến người nông dân rơi vào tình cảnh lao đao. Đó là thực tế đang cần lời giải tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Hiện thị trường thu mua keo tràm tại tỉnh Hà Tĩnh đang chững lại, giá giảm sâu, trong khi phần lớn diện tích keo tràm đến kỳ thu hoạch nhưng tìm không ra người thu mua, khiến người trồng lâm vào cảnh khốn đốn.
“Chờ giá lên không biết đến bao giờ”
Anh Hoàng Hùng (41 tuổi, trú xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) - người chuyên thu mua cây gỗ keo của người dân rồi nhập vào nhà máy băm dăm ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) cho biết, giá keo rớt khiến việc buôn bán của anh gặp nhiều khó khăn.
Theo anh Hùng, năm 2022 giá gỗ keo đã bóc vỏ được nhà máy thu mua có thời điểm lên đến 1,45 triệu đồng/tấn. Thế nhưng cuối năm 2022 đến nay, giá gỗ keo đã giảm xuống còn 1,25 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, đầu năm 2023, giảm còn 1,05 triệu đồng/tấn.
“So với đợt giá lên cao nhất vào giữa năm ngoái thì hiện nay giá keo tràm đã xuống 400 nghìn đồng/tấn. Tính ra thiệt hại cho chúng tôi là rất lớn. Nếu một héc ta keo cho khối lượng gỗ lớn nhất đạt 150 tấn thì người dân cũng đã bị thiệt mất 60 triệu đồng/ha vì xuống giá” - anh Hùng nói. Việc giá keo xuống thấp vừa khó tiêu thụ vừa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người trồng keo. Chưa kể trên địa bàn còn có hàng nghìn lao động đang làm nghề trồng keo như khai thác và trồng mới keo tràm cũng bị ảnh hưởng theo.
Anh Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, trú tại thị trấn Vũ Quang) cho biết, gia đình anh có 20ha trồng keo tràm đang đến vụ thu hoạch nhưng do giá thu mua hạ thấp nên việc cắt cây bán đang phải tạm dừng.
“Với công chăm sóc, tiền xăng dầu, lao công chặt cây tính theo giá hiện tại thì mỗi tấn keo tràm thu hoạch được người trồng còn lỗ đến vài trăm nghìn đồng, bây giờ bán cũng không được mà chờ giá lên lại thì không biết đến bao giờ” - anh Cường nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Lê Thị Hoa (58 tuổi, trú tại huyện Hương Khê) cho biết, nhiều héc ta keo tràm của gia đình đến vụ thu hoạch nhưng chưa thể bán. “Thương lái có đến nhưng giá thành thấp quá, thành quả chăm sóc mấy năm không những không sinh lời mà còn lỗ nặng” - bà Hoa buồn bã nói.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Nam (52 tuổi, trú tại huyện Thạch Hà) - là người chuyên thu mua keo tràm tại các địa bàn huyện Hương Khê, huyện Vũ Quang cho hay, năm nay ông thu mua gần 100ha rừng keo của dân ở địa bàn huyện Hương Khê, 80ha rừng ở huyện Vũ Quang. Hiện mới cắt bán rải rác một phần, còn phần lớn vẫn chưa cắt.
“Giá keo tràm đi xuống và nhiều nhà máy chế biến đang đóng cửa hoặc dừng nhập hàng khiến những người chuyên thu mua như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, người dân đã bán rừng lại thúc giục cắt cây để họ trồng lứa keo khác cho kịp vụ khiến những người thu mua rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Bởi lẽ, keo đã thu hoạch nếu bán vào thời điểm này sẽ mất giá, nhưng chúng tôi cũng phải bán bởi để lâu keo sẽ bị mốc, khô nước, nên càng hao hụt” - ông Nam nói.
Theo đại diện một công ty chuyên thu mua sản xuất gỗ băm dăm ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh), gần đây thị trường Trung Quốc thu mua dăm gỗ “nhỏ giọt” khiến các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Giá thu mua của đối tác giảm mạnh và đang có xu hướng hạ tiếp nên đối với những doanh nghiệp (DN) thu mua gỗ chưa đưa ra được mức giá cụ thể. Số lượng hàng tồn kho còn rất nhiều, việc thu mua tiếp sẽ rất nguy hiểm cho DN. So với giá lúc đỉnh điểm, hiện tại đã giảm mất hơn 70 USD/1 tấn gỗ băm dăm.
“Ôm cây” chờ ngày khai thác
Từ đầu năm đến nay, các DN nước ngoài dừng thu mua dăm gỗ, khiến nhiều DN chế biến trong nước lâm vào cảnh tồn hàng, không xuất được. Đó là thực tế đang diễn ra tại tỉnh Quảng Bình.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, gia đình chị có hơn 3ha trồng keo đã được 6 năm tuổi. Trước Tết Nguyên đán, giá keo xuống thấp, người thu mua keo nhập cho các công ty, nhà máy chế biến dăm gỗ đã hạn chế mua bán, nên gia đình chị cũng chưa thu hoạch.
“Gia đình tôi có hơn 3ha trồng keo, chăm sóc keo lớn đã đến độ thu hoạch để trồng đợt khác nhưng vẫn chưa bán được. Thương lái thu mua keo giờ cũng không mấy mặn mà, một số người có tiền đã mua trữ các cánh rừng keo của dân ở những khu vực dễ khai thác hơn để chờ thời điểm thu hoạch. Trong thôn có người dân bán rừng keo, nhận tiền cọc 4 đến 5 tháng nhưng thương lái vẫn chưa khai thác để trồng rừng mới” - chị Tuyết nói.
Không riêng gì gia đình chị Tuyết, các hộ dân huyện Lệ Thủy cũng đang gặp khó khi giá cả cây keo tràm đang xuống thấp. Việc cây keo mấy tháng nay không bán được khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Trần Anh Tuấn (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) có thành lập một tổ đội chuyên khai thác keo tràm trên địa bàn các xã Kim Thủy, Thái Thủy, Trường Thủy. Công việc cắt cây, bóc vỏ, vận chuyển đến bãi tập kết cho các đơn vị đầu mối DN tuy vất vả, nhưng thu nhập cao và ổn định. Nhưng từ trước Tết Nguyên đán đến nay, đội khai thác cây keo tràm của anh Tuấn không có ai thuê mướn. Những thành viên trong đội cũng là dân lao động địa phương ở vùng đồi núi không tìm được việc làm thay thế. Cuộc sống người lao động thời vụ lâm vào bế tắc.
“Người dân miền núi huyện Lệ Thủy đa số sống nhờ vào bán và khai thác cây keo là chủ yếu. Nay các công ty lâm sản không thuê khai thác, chúng tôi cũng không có việc gì để làm. Ngoài không có việc làm, một số tổ đội còn mua rừng giá cao của dân từ trước tết, để ra năm có việc cho anh em làm. Nay giá keo xuống thấp, việc bán keo rất khó vì họ tính toán giảm trừ không còn bao nhiêu. Nhiều người đành phải “ôm” hàng chục héc ta gỗ keo để chờ giá mới khai thác” - anh Tuấn nói.
Trong khi người trồng keo tràm đang gặp khó khăn vì giá cả xuống thấp, không bán được thì nhiều DN chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng rơi tình cảnh “khóc đứng khóc ngồi” do hàng hóa không xuất đi được.
Ông Hoàng Văn Biện - Giám đốc Công ty TNHH Cát Minh Tâm (xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, đơn vị từ hơn 30 công nhân hành chính và lao động sản phẩm, đến nay công ty chỉ giữ lại nhân viên hành chính vì không có việc làm.
Theo ông Biện, các DN hiện nay duy trì đơn hàng xuất khẩu với số lượng cũng rất ít, giá thành xuống thấp còn 130USD/tấn. DN duy trì 2 đơn hàng của 2 đối tác khác nhau, phải điều chỉnh máy móc để dăm gỗ theo kích cỡ hợp đồng đơn, tránh bị đối tác ép giá.
Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị (Tiểu khu 571 Làng thanh niên lập nghiệp Tây Vĩnh Linh, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động chế biến dăm gỗ và gỗ thanh xuất khẩu trên địa bàn. Thế nhưng, đã 3 tháng nay công ty này đã phải đóng cửa, hàng chục công nhân người địa phương không có việc làm. Ông Nguyễn Minh Thành - Giám đốc công ty cho biết, gỗ dăm không xuất khẩu được, công ty không tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, cho người trồng rừng. Mấy tháng nay, sân bãi công ty chất đống gỗ dăm, không có chỗ chứa nữa nên công ty phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Công ty có gần 100 lao động, với mức thu nhập bình quân 8 - 10 triệu đồng/tháng. Thời gian gần đây, công ty đành phải cho nghỉ không lương hết số lượng công nhân làm hưởng lương theo sản phẩm công, chỉ còn lại lao động hành chính nhưng chỉ được hưởng 70% lương. Ông Thành cho biết, nếu tình trạng này còn kéo dài hết tháng 6/2023 thì rất có thể nhiều DN chế biến gỗ rừng trồng sẽ phá sản, đặc biệt là các đơn vị sản xuất sản phẩm gỗ xẻ và dăm gỗ.
(Còn nữa)