Dấu mốc 100 triệu dân

PHƯƠNG MAI 27/04/2023 07:18

Dự báo, trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu. Đây là dấu mốc quan trọng. Giới chuyên gia nhìn nhận, khi chạm cột mốc quy mô 100 triệu dân và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, về lý thuyết, Việt Nam nằm trong điểm son của khoảng thời gian tối ưu cực kỳ thuận lợi đối với phát triển kinh tế. Năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Nhìn chung, con số 100 triệu dân đặt ra cho Việt Nam những thách thức cần phải tập trung giải quyết gồm: nâng cao chất lượng dân số, đầu tư cho y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực để tránh nguy cơ lãng phí thời kỳ cơ cấu dân số vàng và ứng phó kịp thời thời kỳ dân số già.

Ảnh: Quang Vinh.

Tận dụng cơ hội phát triển

Dân số nước ta hiện nay đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Quy mô dân số lớn mang đến nhiều lợi thế nhưng cũng nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đòi hỏi chúng ta cần hành động nhanh và thực chất.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Dự báo, giai đoạn "dân số vàng" của nước ta sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038, đây là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ người dân tiếp tục tăng, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện…

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, quy mô dân số 100 triệu người là nguồn lực vững vàng cho thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội phát triển đất nước nhanh, bền vững. Hơn nữa, chúng ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội tốt nhất để các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia. Do đó, phải tận dụng được cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, đầu tư hiệu quả cho giáo dục - đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng, trình độ lao động sẽ tạo ra nguồn lực để phát triển đất nước.

Trong khi đó, theo ông Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cơ cấu dân số vàng thường kéo dài 30 - 35 năm. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia khu vực châu Á, đã tận dụng cơ hội dân số vàng để tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… "Hiện Việt Nam đang ở giữa thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Khi dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, chúng ta có một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Nếu khai thác tối đa có thể đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bên cạnh đó còn có ưu thế trở thành thị trường có quy mô lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài", ông Nghĩa cho biết.

Ở góc nhìn kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐHQG Hà Nội) nhận định: Với cơ cấu dân số vàng, 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động, Việt Nam có nguồn lực lao động dồi dào. Trong số người ở độ tuổi lao động lại có tới gần 70% ở khu vực nông thôn.

Ðây là dư địa lớn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa - đô thị hóa, góp phần nâng cao năng suất lao động, từ đó gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế lẫn thu nhập bình quân đầu người. Cùng với đó là việc bổ sung hơn 1 triệu lao động trẻ, năng động, thích ứng nhanh trong thời đại số và có trình độ văn hóa cũng như kỹ năng lao động cao hơn giai đoạn trước, nền kinh tế Việt Nam hy vọng sẽ có sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng; sự đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp và tự chủ kinh doanh cũng sẽ có những thay đổi về chất so với giai đoạn trước.

Còn nhiều rào cản

Tuy vậy, dễ nhận thấy một trong những rào cản trong việc nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động hiện nay là trình độ, kỹ năng lao động chưa cao. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhìn nhận, sau 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Tuy nhiên, trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn khá thấp. Hiện năng suất làm việc của lao động Việt Nam chỉ bằng 11% của Singapore, 23% của Hàn Quốc, 24% của Nhật Bản... Trong khu vực Ðông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (2,4 lần), Myanmar (1,6 lần), Lào (1,2 lần).

Số người từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 75,4 triệu người, trong đó có 51,7 triệu người thuộc lực lượng lao động. Trong số 51,7 triệu người lao động, có tới 73,8% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (bao gồm 3,7% người có trình độ sơ cấp, 1,9% người có trình độ trung cấp, 1,9% người có trình độ cao đẳng và 6,1% người có trình độ từ đại học trở lên). Cả nước hiện có khoảng 38,1 triệu người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 13,6 triệu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công dẫn chứng, mới đây một báo cáo do VCCI thực hiện đã đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI cho thấy: Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

“Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số vàng nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là vàng. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường”, ông Công đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nêu thực tế: Chúng ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; số người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) lớn gấp hai lần số người chưa đến tuổi lao động, hết tuổi lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động trong những năm qua chưa được cải thiện nhiều do đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, chưa phát huy được lợi thế dân số trẻ. Mặt khác chúng ta cần lưu ý là cảnh chưa giàu đã già. Điều này đang hiện hữu rồi, vì số người già Việt Nam những năm gần đây tăng lên nhanh do tuổi thọ người dân ngày càng tăng cao. Nếu không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng hiện nay để tăng năng suất lao động thì rất khó nâng cao thu nhập cho người dân.

Không để lãng phí

Tại thành phố đông dân nhất cả nước, ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TPHCM bày tỏ: Khi chạm cột mốc quy mô dân số 100 triệu và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, về lý thuyết, Việt Nam đang nằm trong điểm son của khoảng thời gian tối ưu cực kỳ thuận lợi đối với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điểm mạnh của dân số mới dừng ở số lượng và còn rất nhiều hạn chế khi xét về chất lượng.

Để biến “điểm son” đó thành thực tế, theo ông Trung, con số 100 triệu dân là một cột mốc đặt ra cho Việt Nam những thách thức cần phải tập trung giải quyết quyết liệt gồm: nâng cao chất lượng dân số, đầu tư cho y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực để tránh nguy cơ lãng phí thời kỳ cơ cấu dân số vàng và ứng phó kịp thời thời kỳ dân số già.

Ở góc nhìn khác, ông Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, nếu không chủ động ứng phó với thời kỳ dân số già, đưa ra những giải pháp an sinh xã hội dài hạn, trong tương lai Việt Nam rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Do đó, chúng ta cần giải pháp quyết liệt để năng suất lao động của Việt Nam không bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, để nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng không là hiện hữu. Nếu không tận dụng thời cơ dân số vàng chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau.

Về giải pháp lâu dài, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng: Việt Nam cần xây dựng được chương trình, kế hoạch cơ cấu nguồn nhân lực hiện tại và tương lai, từ ngắn hạn đến trung hạn và dài hạn. Cùng với đó là phải tái cơ cấu hệ thống đào tạo đại học và trường nghề; đào tạo theo nhu cầu thị trường, gắn kết cung - cầu; giao quyền cho doanh nghiệp đào tạo; liên doanh, liên kết với doanh nghiệp đào tạo.

Nguồn lao động có kỹ năng mới là tài sản quý giá nhất để thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta cần có những chính sách, chiến lược đột phá, không chỉ là chính sách về dân số mà còn cần các chính sách về đầu tư, chiến lược phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực.

PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): Giải pháp thích ứng với già hóa dân số

Có thể thấy mức tăng của người cao tuổi rất mạnh. Hiện tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số "siêu già" trong 10-20 năm nữa. Thách thức và cơ hội song hành trong quá trình già hóa dân số nên cần phải có những chính sách chiến lược phù hợp để thích ứng. Làm sao có thể tạo điều kiện, chăm sóc cho người cao tuổi có sức khỏe tốt, đồng thời có tinh thần tốt là điều quan trọng. Việt Nam có thể học ngay ở các nước đang phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… Những nước đã sớm nhận ra những thách thức và từ nhiều năm nay đã chủ động xây dựng các chính sách thích ứng với dân số già. Ví dụ ngay từ những năm 1950, Nhật Bản đã có chính sách bảo hiểm y tế chăm sóc dài hạn người cao tuổi. Chăm sóc không chỉ về y tế mà còn về tinh thần, thúc đẩy người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội để tránh các vấn đề như bệnh trầm cảm, sa sút trí tuệ…

Đáng lưu ý, để thích ứng tốt và tận dụng được lợi thế của già hóa dân số, ngay từ bây giờ với dân số trẻ buộc phải cải thiện các vấn đề liên quan như: trình độ học vấn để có công ăn việc làm tốt hơn, chuẩn bị tốt vấn đề liên quan đến sức khỏe để khi bước vào già hóa, họ có nguồn kinh tế, sức khỏe để quay trở lại đóng góp cho chính bản thân họ, cho gia đình, xã hội.

Hiện chúng ta đang từng bước thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng với già hóa dân số nên người cao tuổi sẽ là trọng tâm của các chiến lược, chính sách này. Khi nói về người cao tuổi cần lưu ý là có 2 nhóm là người cao tuổi hiện nay và người cao tuổi trong tương lai (hay chính là những người trẻ tuổi, trung niên bây giờ). Thích ứng với dân số già tức là phải chuẩn bị cho cả 2 nhóm dân số này. Mặt khác, với nhóm dân số trẻ hơn - những người cao tuổi tương lai - cần tận dụng cơ hội vàng khi tỉ lệ và số lượng nhóm này còn tăng trong khoảng 20 năm nữa. Chuẩn bị kinh tế, tài chính, sức khỏe và các hoạt động cộng đồng để vừa đảm bảo an sinh thu nhập hiện tại cũng như trong tương lai và để chuẩn bị cho “kiềng ba chân” của già hóa tích cực - đảm bảo kinh tế; đảm bảo sức khỏe và hoạt động cộng đồng.

Người cao tuổi không phải là gánh nặng của xã hội, mà họ vẫn đang đóng góp công sức - một cách thầm lặng và nhiều khi không được ghi nhận - cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Biết tận dụng tri thức, kinh nghiệm của người cao tuổi một cách phù hợp thì sẽ mang lại những giá trị to lớn cho xã hội. Ngược lại, nếu không chăm lo, chuẩn bị thích ứng với dân số già hóa nhanh một cách phù hợp, đúng thời điểm thì sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng dân số hiện nay cũng như tạo “gánh nặng” thực sự trong tương lai với gần 30 triệu người cao tuổi vào giữa thế kỷ này.

PHƯƠNG MAI