Nâng cao chất lượng dân số
Để chuẩn bị cho sự kiện dân số Việt Nam chạm mốc 100 triệu người, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Tổng cục Dân số đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành chức năng xây dựng các chương trình hoạt động, chủ đề và các thông điệp để lan tỏa sự kiện quan trọng này.
Dịp này, nhấn mạnh về vấn đề nâng cao chất lượng dân số, TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) khẳng định: Chất lượng dân số chính là "chìa khóa vàng" để mở cánh cửa phát triển đất nước bền vững.
PV: Thưa ông, với quy mô dân số lớn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm nhiều cơ hội để phát triển bền vững đất nước?
TS PHẠM VŨ HOÀNG: Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, chúng tôi dự báo trung tuần tháng 4/2023, dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu người. Với quy mô dân số như vậy sẽ đưa đất nước chúng ta vào trong nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Về mặt cơ hội như chúng ta đã thấy với dân số rất lớn chính là nguồn nhân lực to lớn về nhiều mặt cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hơn nữa, Việt Nam đã bước vào thời kì dân số vàng từ năm 2007 và dự báo thời kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2038, với số lượng người trong độ tuổi lao động xấp xỉ 68 triệu người cung cấp nguồn lực lao động vô cùng to lớn cho đất nước.
Tuy nhiên với nguồn lực này đòi hỏi chúng ta có những cái giải pháp để đầu tư về con người, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật, nâng cao sức khoẻ. Đây sẽ là một cơ hội rất lớn để phục vụ cho tiến trình phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Một cơ hội nữa là quy mô dân số lớn cũng tạo ra một thị trường rất tiềm năng, không những là thị trường lao động mà còn là thị trường tiêu thụ, sản xuất sản phẩm trong nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Tuy nhiên, dân số đông cũng khiến chúng ta đối mặt nhiều thách thức, trong đó cùng với việc đang trong giai đoạn dân số vàng thì Việt Nam đồng thời đang ở trong thời kì già hóa dân số?
- Thời kỳ già hóa dân số ở nước ta bắt đầu từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào năm 2038. Hiện nay số người từ 60 tuổi trở lên là 12,6 triệu người, chiếm khoảng 11,86% dân số và dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 18 triệu người cao tuổi, chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi.
Theo các số liệu dự báo đến năm 2038 Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già, khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 20% dân số và là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, chỉ mất khoảng 27 năm trong khi các nước phát triển mất nhiều thập niên, có nước đến hơn 1 thế kỷ. Với tốc độ già hóa dân số rất nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế, xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khỏe mạnh của nhóm người cao tuổi.
Như vậy với một xã hội già hóa, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu của dân số già, đồng thời phải tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển vững mạnh làm nền tảng thích nghi với dân số già trong tương lai. Cùng với đó, quy mô dân số 100 triệu người cũng khiến chúng ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như: mất cân bằng giới tính khi sinh, phân bố dân cư và những cái vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng dân số.
Liên quan tới chất lượng dân số, cơ cấu dân số vàng mới chỉ mang lại cơ hội về số lượng lao động chứ chưa mang lại ngay kết quả cho tăng trưởng kinh tế. Theo ông, chúng ta cần làm gì để tận dụng cơ hội dân số vàng?
- Để cơ cấu dân số vàng thực sự tận dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư hiện nay. Do vậy, nâng cao chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia và được coi là "chìa khóa vàng" để mở cánh cửa phát triển đất nước bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!