KTS Trần Huy Ánh: Giá cho thuê cao sẽ giữ được vỉa hè
Sống ở nhà mặt đường phố Bà Triệu, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, là người thấm đẫm văn hóa Hà Nội từ thuở nhỏ. Ông quan tâm tới văn hóa và kiến trúc, luôn sẵn lòng góp ý kiến một cách tâm huyết và xây dựng trong tư cách một chuyên gia về đô thị.
PV: Thưa ông, có phải cho đến hôm nay, chúng ta vẫn đang bị mâu thuẫn và luôn luôn loay hoay câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển đô thị?
KTS TRẦN HUY ÁNH: Hiện tại vẫn có những tranh luận chưa đi đến ngã ngũ. Ví dụ liệu có đúng không khi đang lúc cần phát triển kinh tế lại cứ nói về văn hóa và bảo tồn?
Đừng lúc nào cũng đòi hỏi bảo tồn vì những thứ cần bảo tồn cũng chưa chắc đã có nhiều giá trị. Một bên quan điểm thì động vào cái gì cũng đòi bảo tồn. Cá nhân tôi cho rằng nhìn một chiều như quan điểm đầu tiên thì rất hời hợt, nhưng cũng không nên bảo tồn theo kiểu cứng nhắc.
Thực tiễn đã chứng minh, khu vực phố cổ có gì đâu mà tại sao lại thu ngân sách tốt? Như vậy là không phải bảo tồn văn hóa thì tốn kém, mà bảo tồn văn hóa làm cho kinh tế phát triển hơn.
Có những quận mới ở Hà Nội phát triển, thu ngân sách cao, nhưng là do quỹ đất họ có, họ lập dự án xây khu đô thị. Chứ khu vực như quận Hoàn Kiếm thì quỹ đất không còn. Nhưng quận Hoàn Kiếm lại khai thác được những giá trị lịch sử. Cho nên nếu tính trên diện tích vật lý thì quận Hoàn Kiếm là số 1 về hiệu quả kinh tế. Thế có phải là di sản không? Nếu quận Hoàn Kiếm trở thành một thành phố hiện đại thì có được cái lợi ích ấy không?
Vâng, quả là những ngày qua, lại dấy lên thông tin về giá trị mỗi mét vuông đất ở khu vực quận Hoàn Kiếm có giá tiền bằng cả một căn hộ chung cư ở chỗ khác. Nhưng ứng xử với khu vực này như thế nào lại đang là vấn đề?
- Trong quận Hoàn Kiếm có hai khu vực, khu phố cổ và khu phố Pháp, và quận Hoàn Kiếm cũng đã đồng thời tính đến chuyện bảo tồn ở cả hai khu vực. Nhưng không phải lúc nào và cái gì chúng ta cũng làm được. Chúng ta cần làm có trọng tâm, trọng điểm. Khu phố cổ chúng ta đang làm có biết bao khó khăn như thế, đã từng bước thành công.
Chúng ta có thể đưa thực tiễn ấy sang khu phố Pháp. Ta sẽ phải mở rộng không gian trong khu phố Pháp để trở thành khu phố du lịch, để trở thành khu phố đi bộ, để trở thành khu phố có giá trị khai thác tốt hơn. Một điều hiển nhiên hai khu phố ấy giá trị bất động sản hơn hàng chục lần những khu phố mới. Thực tế ấy nói lên điều gì? Là quy hoạch khu phố ấy có chất lượng cao. Những nhà đầu tư luôn coi đây là động lực, và những nhà quản trị luôn luôn phải đối mặt với giằng xé trong những lợi ích rằng có xây nhà cao tầng hay không.
Chứ còn làn sóng muốn “đập” phố cổ, phố Pháp để xây nhà cao tầng lúc nào chả đang rình rập. Khi mà người ta cứ nghĩ đến tiền nhiều quá và cứ nghĩ rằng hy sinh văn hóa thì có tiền. Nhưng thực ra không có văn hóa thì cũng không đem lại lợi ích nhiều hơn đâu. Điều đó cũng đã chứng minh, ví dụ như những khu phố mới trong TPHCM, bây giờ chỉ cần một bãi rác bốc mùi thôi thì sẽ thấy sự xuống giá của bất động sản...
Như vậy, chính văn hóa và lịch sử làm lên giá trị bất động sản khu vực này. Và chúng ta không thể nói bảo tồn làm kinh tế chậm phát triển?
- Chúng ta đang có một khu phố cổ và khu phố Pháp phát huy được giá trị văn hóa lịch sử và giá trị kinh tế của nó, cho nên ta phải nhìn nhận thật đúng và phân tích để ta khai thác đến một ngưỡng thông minh nào đó, để vừa đạt được lợi ích kinh tế nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa lịch sử. Bởi vì đó là hai mặt của một vấn đề được tương tác với nhau. Càng những khu phố có giá trị văn hóa lịch sử như thế chúng ta càng phải bảo tồn tốt hơn. Bởi vì chúng ta không làm được lịch sử, mà chúng ta chỉ bảo vệ nó, và phát huy nó thôi.
Bây giờ chúng ta đề cập đến câu chuyện nóng nhất thời gian này là lập lại trật tự vỉa hè. Thực ra thì phải thẳng thắn thừa nhận, vỉa hè khu vực quận Hoàn Kiếm (lại vẫn phải ví dụ ở đây) đang là nơi hái ra tiền. Chúng ta đều biết rằng nhiều gia đình kinh doanh diện tích có đâu, nhiều hàng quán nổi tiếng trong khu phố cổ, phố cũ thực ra chỉ có vài mét vuông, khách ngồi vỉa hè là chính đấy chứ. Rồi nhiều ý kiến nói về văn hóa vỉa hè nữa. Vậy nếu trả lại vỉa hè công năng chính của nó là dành cho người đi bộ thì thực tế là kinh tế, cụ thể là giao thương, làm ăn, buôn bán khu vực này sẽ ngừng trệ?
- Trước khi nói cụ thể về vấn đề này thì chúng ta cùng kiểm lại công năng của vỉa hè. Vỉa hè Hà Nội ngoài việc để người đi bộ di chuyển còn đang sử dụng với rất nhiều mục đích: để xe máy, đôi chỗ để ô tô, bày bán hàng hóa, tập kết vật tư xây dựng, rác thải, hộp cáp điện thoại, tủ công tơ điện, bục biển quảng cáo hoặc thùng rác, cột trụ thùng rác thông minh kết hợp bảng quảng cáo điện. Bên dưới lớp đá lát vỉa hè là hệ thống đường dây cấp điện ngầm, cáp quang thông tin, ống cấp nước, hệ thống thoát nước thải. Nhiều đường phố kinh doanh buôn bán còn bày bàn ghế, ô dù, quầy nấu nướng, rửa bát, rửa xe… Cả các vật dụng cản trở cấm đỗ xe trước cửa hàng mặt phố như chậu cây cảnh, bàn ghế cũ…
Tóm lại là nhiều chức năng tới nỗi không thể đi bộ trên vỉa hè!
Về quản lý thì vỉa hè TP Hà Nội cơ bản giao cho các UBND quận huyện quản lý, nhiều địa phương đã sơn kẻ vạch để xe, hành lang cho người đi bộ, một số nơi cho thuê để ô tô xe máy… Như vậy về quản lý cơ bản là lơi lỏng. Năm 2017, đã có đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè lòng đường. Năm 2023 chiến dịch ra quân lại đang được triển khai rầm rộ. Và giữa các đợt ra quân là sự lộn xộn.
Nhiều năm qua, tại không ít nơi trong trung tâm TP đã sử dụng vỉa hè lòng đường để kinh doanh trông giữ xe đạp, xe máy và các hoạt động thương mại dịch vụ khác theo giờ/ theo ngày và quanh năm ngày tháng. Nhiều điểm mang lại kết quả tích cực như phố đi bộ quanh Hồ Gươm, chợ ẩm thực Tống Duy Tân… đem lại những giá trị lợi ích vật chất, tinh thần.
Tuy vậy chưa có công bố xem việc khai thác vỉa hè, lòng đường vào mục đích kinh tế ấy thì lợi ích cho người dân như thế nào? Ngân sách thu về ra sao?
- Cá nhân tôi cho rằng cần có khảo sát, đánh giá tổng hợp toàn diện những điểm lợi và bất lợi từ các thực tiễn này thì mới có đề xuất có tính khoa học, hợp lý hơn trong việc ứng xử với vỉa hè khu vực này. Chứ không thể chỉ ngẫu hứng đề xuất vu vơ, bất hợp lý, phản tác dụng… không cải thiện trật tự đô thị theo hướng tích cực mà còn gây thêm rắc rối.
Có phải ông đang đề cập đến đề xuất “cho thuê vỉa hè” thay vì để bị chiếm dụng tràn lan như hiện nay? Trong câu chuyện của ông, thì thiếu chỗ đỗ xe trong khu vực này đang là vấn đề lớn?
- Thiếu chỗ đỗ xe không phải chỉ là câu chuyện của các thành phố lớn của Việt Nam mà là tình trạng chung của tất cả các thành phố lớn trên thế giới. Những thành phố càng giàu càng nhiều ô tô và không thành phố nào trên thế giới thỏa mãn được hết nhu cầu đỗ xe cá nhân.
Tại Hà Nội nhu cầu giao thông tĩnh ngày càng thiếu hụt trầm trọng và gia tăng từng ngày. Thảo luận chuyên gia trong nước và quốc tế gần đây đã chỉ ra nguyên nhân mất trật tự vỉa hè lòng đường gần đây có nguyên nhân chính là ô tô xe máy đỗ tràn lan trên vỉa hè lòng đường.
Theo tôi, Hà Nội chỉ cần thay đổi cách tiếp cận sẽ có thay đổi cơ bản: Phát triển ngành kinh tế cung cấp dịch vụ thay vì coi đây là nhiệm vụ cung cấp phúc lợi đỗ xe cá nhân. Đã là kinh tế dịch vụ thì hạch toán kinh tế phải thu đủ chi và có lợi nhuận, tạo hấp dẫn đầu tư cho ngành kinh tế giàu tiềm năng này. Toàn thế giới đã phát triển từ lâu và không ngừng phát triển kỹ nghệ quản trị bao gồm mô hình và trang thiết bị tự động hóa. Công cụ tài chính đã phát huy sức mạnh của nó từ lâu thay cho công cụ hành chính.
Trung bình mỗi ngày đỗ xe ô tô ở các thành phố lớn của Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc)… người ta phải trả vài trăm USD, nhiều thành phố không chỉ tính tiền thời gian đỗ mà ngay cả đi vào trung tâm cũng chịu phí cao vào các giờ cao điểm… Nên ngoài việc ngân sách thu được nhiều tiền còn điều tiết lưu lượng xe hợp lý trong khu vực trung tâm thành phố.
Hà Nội đã sẵn có Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm, hạ tầng công nghệ như camera giám sát khá dày đặc, thẻ thu phí tự động ETC đã phủ kín gần 100%, cán bộ công chức ai cũng có bằng cấp đủ trình độ công nghệ thông tin và các ứng dụng ngày càng rẻ, dễ dùng, dễ triển khai. Thu phí theo giờ và theo không gian chiếm dụng vỉa hè lòng đường thì không thể dùng sức người mà phải ứng dụng công nghệ tự động. Hiện nay Hà Nội và TPHCM cũng đang có những bãi đỗ xe thu phí trong nội đô nhưng chưa áp dụng công nghệ vào quản lý cũng như mức thu phí đang quá rẻ.
Nếu cho thuê vỉa hè với giá rẻ thì toàn dân không thuê nhà mà tất cả thuê vỉa hè để buôn bán (cười). Muốn giữ vỉa hè thì giá thuê vỉa hè phải cao hơn trong nhà.
Trước khi vỉa hè được cho thuê như chúng ta đang nghĩ tới, ông đánh giá thế nào về chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè lần này?
- Khi vỉa hè vẫn là món hời lợi ích cho nhiều bên thì còn nhiều “lý lẽ” để “câu giờ” và “lừng khừng” trong việc lập lại trật tư. Giải pháp “quá độ” theo ý kiến của tôi là giành lại hành lang an toàn rộng 1,5 m cho người đi bộ trên tất cả các nẻo đường. Sau đó tiến hành đánh giá lại toàn bộ việc sử dụng, cho thuê vỉa hè lòng đường để loại bỏ các vị trí tùy tiện. Từ các bài học của Hà Nội đã triển khai để có phương án tổ chức các không gian dịch vụ thương mại cho tất cả các hoạt động thương mại. Không quá làm khó sinh kế của người dân, nhưng cũng phải loại dần các bên đang quá nhiều ưu ái trong sử dụng không gian công sản vỉa hè, lòng đường cho mục đích khai thác tư lợi.
Thập niên 1970-1980, Singapore tràn lan hàng rong, tắc nghẽn và lộn xộn đường phố. Họ đã tạo ra các chợ thu gom hàng rong, thiết lập trật tự vệ sinh đường phố nghiêm khắc. Singapore ngày nay nổi tiếng là thành phố ngăn nắp sạch sẽ hoạt động trôi chảy, đồng thời đứng đầu thế giới về bộ máy quản trị minh bạch, trong sạch, hiệu quả.
Giờ chuyển qua một câu chuyện khác cũng đang nóng là Hà Nội lại đang “lăm le” khai thác mặt nước hồ Tây cho các hoạt động thương mại. Ông thấy thế nào?
- Mọi vấn đề về quy hoạch, kiến trúc không gian hồ Tây nhiều người đang nói rồi. Tôi chỉ cảnh báo thêm, hồ Tây bây giờ rất nông, bùn lắng rất nhiều, bùn cặn rất nhiều. Cho đến nay chưa có dự án toàn diện về xử lý vấn đề bùn cặn và thay đổi hệ sinh thái làm cho chất lượng nước tốt hơn. Cho nên nếu bây giờ tăng mật độ hoạt động trên mặt hồ có thể làm khuấy động bùn làm hệ sinh thái có thể đang hồi sinh thì lại bị hủy hoại.
Trong khi không gian hồ Tây vốn đã ngày càng bị thu hẹp lại bởi các tòa nhà cao tầng âm thầm mọc lên phía Nghi Tàm - Quảng Bá. Phía bên kia, tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, khu vực xung quanh hồ Tây vốn được người Pháp quy hoạch với mật độ cây xanh rất lớn, với công viên Bách Thảo, mà giờ cũng bị nhồi nhét nhiều dự án chung cư cao tầng...
- Có hai hệ quy chiếu khi tiếp cận vấn đề này: Hệ quy chiếu duy mỹ đứng ở phía cộng đồng xã hội thì thấy rất đáng tiếc khi chúng ta đang mất dần không gian cây xanh - mặt nước của Hà Nội nói chung và hồ Tây nói riêng.
Hệ quy chiếu thứ hai là lý tài (có nghĩa là lấy lợi ích tiền bạc làm lý lẽ) và đứng ở lợi ích của những nhà đầu tư tư nhân, nhân danh dự án mà thực ra là mua đất công giá rẻ, xây nhà cao tầng thoải mái, diện tích bán giá cao với khối lượng lớn thì những dự án này có hiệu suất sinh lời tối đa.
Cá nhân tôi nghĩ là nếu cần bảo vệ cho “lý lẽ” của họ có khi các nhà quản lý cấp phép xây dựng tại đây họ đưa cả không gian mặt nước hồ Tây vào tính toán cho mật độ các khối tích xây dựng khổng lồ này còn có thể cho lên cao nữa, quy mô to nữa, họ cũng dám làm.
Bây giờ nói điều gì đáng tiếc nhất cho Hà Nội những năm qua, ông sẽ nói gì?
- Điều đáng tiếc nhất là sự mất cân bằng đất và nước ở Hà Nội. Sự mất cân bằng này kéo theo sự biến mất không gian xanh, bán ngập bao quanh Hà Nội. Bởi vì không gian mặt nước sạch gắn liền với không gian xanh trong nội đô và ngoài thành phố . Chúng ta đã lập lại sự cân bằng ấy và đạt tới đỉnh cao vào khoảng thập niên 1990. Nhưng đã thoái dần trong gần 30 năm qua, gia tăng cường độ và tốc độ hàng năm.
Một quá trình đô thị hóa tự phát hoặc bị dẫn dắt bởi các tập đoàn bất động sản đã làm tầm thường hóa cảnh quan kiến trúc Hà Nội. Không theo một kịch bản nào, hầu hết các dự án đều bị chi phối bởi nhà đầu tư. Có thể lấy ví dụ, như mật độ đông đúc ở khu đô thị Linh Đàm. Rồi các dự án bất động sản ngay sát hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm.
Vậy theo ông, cái khó nhất trong việc giữ lại cho Hà Nội không gian công cộng hiện nay là gì?
- Chính là nhận thức. Anh không coi đó là giá trị. Anh không biết nó có giá trị thế nào. Không biết khai thác giá trị thế nào, cho nên anh thấy đầy rẫy những khó khăn. Anh càng khó khăn, thì khi anh đưa ra giải pháp lại còn tồi tệ hơn. Thế tại sao anh không đem bế tắc của anh đi hỏi cộng đồng khoa học, hỏi cộng đồng dân cư, hỏi cộng đồng những nhà liên quan, bằng cách cầu thị? Thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách đối thoại, thay đổi cách tiếp cận đi thì sẽ có kết quả tốt.
Trong khi cộng đồng đều có chung một khao khát là đô thị của mình trở thành đô thị đáng sống?
- Gần đây có những cuộc trao đổi rất sôi nổi giữa giới chuyên gia và những nhà quản lý về việc phấn đấu trở thành thành phố đáng sống. Cũng có rất nhiều cách khác nhau. Có những quan điểm tốn kém như chi rất nhiều tiền, hoặc làm thế nào để GDP tăng lên thì chất lượng sống cũng tăng. Tôi cho rằng đó cũng là một quan điểm cực đoan. Tại vì người ta có thể tạo nên cuộc sống hạnh phúc hơn ngay cả khi ta đang sống trên mảnh đất này bằng những cách khác.
Vậy thì chìa khóa của việc tạo dựng một không gian sống như thế nào? Định nghĩa về đô thị sống tốt, có thể sống được thì rất đơn giản. Đó là nơi người ta có thể đi lại an toàn, có một công việc thu nhập ổn định, có phẩm giá. Và tất nhiên là có tình cảm thân thiện gắn kết bền chặt giữa con người trong một cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
Khi vỉa hè vẫn là món hời lợi ích cho nhiều bên thì còn nhiều “lý lẽ” để “câu giờ” và “lừng khừng” trong việc lập lại trật tư. Giải pháp “quá độ” theo ý kiến của tôi là giành lại hành lang an toàn rộng 1,5 m cho người đi bộ trên tất cả các nẻo đường. Sau đó tiến hành đánh giá lại toàn bộ việc sử dụng, cho thuê vỉa hè lòng đường để loại bỏ các vị trí tùy tiện. Từ các bài học của Hà Nội đã triển khai để có phương án tổ chức các không gian dịch vụ thương mại cho tất cả các hoạt động thương mại. Không quá làm khó sinh kế của người dân, nhưng cũng phải loại dần các bên đang quá nhiều ưu ái trong sử dụng không gian công sản vỉa hè, lòng đường cho mục đích khai thác tư lợi.