Cuộc chiến bản quyền nghệ thuật AI
Vào thời điểm mà các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) mới như ChatGPT, Midjourney và Stable Diffusion dường như sẵn sàng thay đổi biểu hiện của con người, khi chúng phá vỡ các kỷ lục về tăng trưởng người dùng, hệ thống pháp lý vẫn chưa tìm ra ai là người sở hữu bản quyền của một tác phẩm được tạo ra bởi AI: người dùng, chủ sở hữu của chương trình, hoặc có thể không có ai cả.
Ranh giới chưa rõ ràng
Năm ngoái, bà Kris Kashtanova đã nhập các hướng dẫn cho một cuốn tiểu thuyết đồ họa vào một chương trình trí tuệ nhân tạo mới và gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc ai đã tạo ra tác phẩm văn học: con người hay thuật toán.
Bà Kashtanova sử dụng một chương trình AI tương tự như ChatGPT mang tên Midjourney, có khả năng tạo ra những hình ảnh minh họa sống động từ lời nhắc bằng văn bản. Từ những thông tin đầu vào này và hàng trăm thông tin khác, hệ thống đã cho ra đời tác phẩm "Zarya of the Dawn", một câu chuyện dài 18 trang về một nhân vật nữ có tên Zendaya lang thang ở Manhattan hoang vắng ở thời điểm hàng trăm năm sau trong tương lai.
Bà Kashtanova đã nhận được chứng nhận bản quyền vào tháng 9/2022 và tuyên bố trên mạng xã hội rằng, điều đó có nghĩa là các nghệ sĩ có quyền được pháp luật bảo vệ cho các dự án nghệ thuật AI của họ.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu. Vào tháng 2/2023, Văn phòng Bản quyền Mỹ bất ngờ đảo ngược chính sách và bà Kashtanova trở thành người đầu tiên ở nước này bị tước quyền bảo vệ pháp lý đối với nghệ thuật AI. Văn phòng kết luận, những hình ảnh trong "Zarya of the Dawn" không phải là sản phẩm do con người tạo ra. Tuy nhiên, cuối cùng bà Kashtanova vẫn được giữ bản quyền về cách sắp xếp và cốt truyện.
Hiện tại, với sự giúp đỡ của một nhóm pháp lý uy tín, bà Kashtanova đang thử thách các giới hạn của luật pháp một lần nữa. Đối với cuốn sách mới, bà Kashtanova đã chuyển sang một chương trình AI khác, Stable Diffusion, cho phép người dùng quét các bản vẽ của chính họ và tinh chỉnh chúng bằng lời nhắc văn bản. Nữ nghệ sĩ tin rằng, bắt đầu với tác phẩm nghệ thuật gốc sẽ cung cấp đủ yếu tố "con người" để gây ảnh hưởng đến chính quyền.
“Sẽ rất kỳ lạ nếu nó không có bản quyền”, bà Kashtanova nói.
Vào thời điểm mà các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) mới như ChatGPT, Midjourney và Stable Diffusion dường như sẵn sàng thay đổi biểu hiện của con người, khi chúng phá vỡ các kỷ lục về tăng trưởng người dùng, hệ thống pháp lý vẫn chưa tìm ra ai là người sở hữu bản quyền: người dùng, chủ sở hữu của chương trình, hoặc có thể không có ai cả.
Các chuyên gia pháp lý cho biết, hàng tỷ đô la có thể phụ thuộc vào kết luận pháp lý. Ông Ryan Merkley, cựu Giám đốc của Creative Commons, một tổ chức cấp giấy phép chia sẻ tác phẩm, cho biết, nếu người dùng và chủ sở hữu của các hệ thống AI mới có thể có bản quyền, thì họ sẽ thu được những lợi ích to lớn.
Ví dụ: các công ty có thể sử dụng AI để sản xuất và có quyền sở hữu đối với số lượng lớn tác phẩm đồ họa, âm nhạc, video và văn bản với chi phí thấp để quảng cáo, xây dựng thương hiệu và giải trí. Ông Merkley cho biết: “Các cơ quan quản lý bản quyền sẽ chịu áp lực rất lớn trong việc cấp bản quyền cho các tác phẩm do AI tạo ra”.
Tranh luận pháp lý
Ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, bất kỳ ai tham gia sáng tạo nghệ thuật thường có quyền hợp pháp ngay lập tức đối với tác phẩm họ tạo ra. Đăng ký bản quyền giúp tạo ra một hồ sơ công khai về tác phẩm và cho phép chủ sở hữu thực thi các quyền của họ trước pháp luật.
Tuy nhiên, các cơ quan tư pháp như Tòa án tối cao Mỹ từ lâu đã cho rằng, tác giả của một tác phẩm nghệ thuật phải là con người. Khi từ chối bảo vệ pháp lý cho các hình ảnh của "Zarya of the Dawn", Văn phòng Bản quyền Mỹ đã trích dẫn các phán quyết từ chối bảo vệ pháp lý cho một bức ảnh tự sướng được chụp bởi một con khỉ tò mò tên Naruto và cho một bài hát mà người nộp đơn xin cấp bản quyền cho biết, đã được sáng tác bởi "Chúa Thánh Thần".
Ông Stephen Thaler, một nhà khoa học máy tính của Mỹ ở Missouri, khẳng định, các chương trình AI của ông có tri giác và phải được pháp luật công nhận là tác giả của các tác phẩm nghệ thuật và phát minh mà chúng đã tạo ra. Ông đã kiện Văn phòng Bản quyền Mỹ, kiến nghị lên Tòa án tối cao Mỹ và có một vụ kiện bằng sáng chế trước Tòa án tối cao Vương quốc Anh.
Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ và công ty sở hữu nội dung sáng tạo phản đối gay gắt việc cấp bản quyền cho chủ sở hữu hoặc người dùng AI. Họ lập luận rằng, vì các thuật toán mới hoạt động bằng cách tự đào tạo trên số lượng lớn tài liệu trên web mở, một số trong đó có bản quyền, nên các hệ thống AI đang sử dụng tài liệu được bảo vệ hợp pháp mà không được phép.
Một nữ nghệ sĩ tên Sarah Andersen cho biết, việc cấp bản quyền cho các tác phẩm AI "sẽ hợp pháp hóa hành vi trộm cắp".
Getty Images, một nhóm nghệ sĩ thị giác và chủ sở hữu mã máy tính đã đệ đơn kiện riêng chống lại chủ sở hữu các chương trình AI bao gồm Midjourney, Stability AI và nhà phát triển ChatGPT OpenAI vì vi phạm bản quyền, nhưng các công ty này đã phủ nhận.
Bà Kashtanova đang được đại diện pháp luật miễn phí bởi công ty luật đa quốc gia Morrison Foerster và luật sư kỳ cựu trong các vụ kiện về bản quyền Joe Gratz, người cũng đang bảo vệ OpenAI trong một vụ kiện tập thể.
Trong khi đó, Văn phòng Bản quyền cho biết, họ đã xem xét lại quyết định cấp bản quyền cho tác phẩm "Zarya of the Dawn" của bà Kashtanova sau khi phát hiện những nữ nghệ sĩ chia sẻ trên Instagram rằng, các hình ảnh trong cuốn tự truyện được tạo ra bằng AI, điều mà họ cho là không rõ ràng trong ứng dụng ban đầu vào tháng 9/2022. Vì vậy, vào ngày 16/3 năm nay, văn phòng đã ban hành hướng dẫn công khai, yêu cầu người nộp đơn khai thông tin nếu tác phẩm của họ được tạo ra với sự trợ giúp của AI.
Hướng dẫn cho biết, các hệ thống AI phổ biến nhất có thể không tạo ra tác phẩm có bản quyền, nhưng điều quan trọng là mức độ kiểm soát sáng tạo của con người.