NSƯT Thành Lộc: Tôi tìm thấy hạnh phúc ở sân khấu
NSƯT Thành Lộc là một diễn viên rất sáng tạo, đa năng, nhập vai xuất sắc từ một cậu bé, chàng trai, đến một ông già, nhất là những vai… giả gái, từng được giới báo chí, đồng nghiệp đặt biệt danh “phù thủy sân khấu”. Ngoài nghề diễn, ông còn đảm nhiệm nhiều vai trò khác như đạo diễn sân khấu, biên kịch và hiện là Phó Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF. Say mê kịch nói, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: Hạnh phúc của tôi đơn giản là được tiếp tục đắm mình trong ánh đèn, trong các vở diễn trên sân khấu…
PV: Thưa ông, được biết ông sinh ra và lớn lên trong môi trường nghệ thuật truyền thống nhưng lại chọn cho mình “con đường” kịch nói. Tại sao lại như vậy?
NSƯT THÀNH LỘC: Gia đình tôi có truyền thống về hát bội và cải lương nhưng tôi chọn kịch nói. Điều này xuất phát từ tính hiện đại trong cách diễn, ngôn ngữ nghệ thuật của kịch nói rất gần gũi với đời thường. Tôi chọn kịch nói đơn giản vì tôi thích có những cảm xúc, rung động thật trên sàn diễn, giúp chuyển tải nhanh chóng tâm hồn nhân vật mình thủ diễn đến tâm hồn mỗi khán giả.
Ông tham gia diễn hài kịch, chính kịch, ngay cả đóng phim hoặc làm giám khảo vài chương trình gameshow, truyền hình thực tế. Vậy ông thích thể loại nào và tâm đắc với vai diễn nào nhất từ trước tới nay?
- Tôi hiếm khi dùng đến khái niệm chính kịch, chỉ có hài hay bi, hay bi hài hoặc tâm lý xã hội, bởi với chính kịch ta cũng có thể đưa hài vào đó thôi. Nói về vai diễn tâm đắc, tôi luôn có nguyên tắc của mình là chỉ nhận những vai mình thích. Khi đã nhận vai tôi sẽ sống hết mình với nhân vật, đều gửi gắm trong đó ít nhiều tâm tư tình cảm của mình và có điều tâm đắc riêng.
Qua những vai diễn, yếu tố nào mang đến sự nổi tiếng cho ông?
- Tham gia các vở diễn, tôi đã có một số vai đạt hiệu quả và được đông đảo khán giả yêu thích là do nhiều yếu tố năng khiếu bẩm sinh, ảnh hưởng di truyền nghệ thuật của cha mẹ, nhưng đáng kể hơn vẫn là sự rèn luyện của bản thân, sự học hỏi không ngừng, đồng thời tự hiểu ra mặt mạnh, mặt yếu của mình để chọn lựa vai thích hợp. Thực sự tôi chưa bao giờ dám nhận mình là người nổi tiếng nhưng - như đã nói - cũng thấy mình nhận được nhiều cảm tình của khán giả. Tôi tham gia nghệ thuật bằng tất cả tâm huyết, sinh lực, nhiệt tình. Tôi trân trọng người xem bằng sự nghiêm túc, chân thành nên được khán giả dành cho nhiều tình cảm nồng hậu. Tôi nghĩ đấy là kết quả tất nhiên, như người trồng cây tốt sẽ được hưởng hoa thơm, trái ngọt vậy.
Có người nói “sân khấu - thánh đường”, ông nghĩ gì về hình ảnh ví von ấy?
- Một trong những nhân vật bậc thầy của sân khấu kịch thế giới từng nói “Sân khấu là thánh đường, như vậy những người đến với thánh đường nên phải bỏ lại những đôi hài bẩn ở ngoài cổng thánh đường”. Dĩ nhiên người nào đến với thánh đường cần phải có một tâm hồn trong sáng, sạch sẽ thì mới có thể tiếp nhận được hết giá trị của nghệ thuật. Bản thân tôi cho rằng điều đó không chỉ đối với riêng những người nghệ sĩ mà với mọi khán giả chúng ta cũng cần như vậy.
Một số nghệ sĩ trẻ đã được ông “truyền lửa” để bước vào con đường nghệ thuật. Ông nghĩ gì về sự truyền cảm hứng trong nghệ thuật?
- Tôi thích công việc “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Một khi mình không thể làm thầy người ta thì “truyền lửa” cũng là trách nhiệm và bổn phận của người đi trước. Điều đó rất quan trọng. Bởi từng có những người làm nghề, sống nhờ nghề, nổi tiếng nhờ nghề mà không biết tôn trọng nghề. Thậm chí có người nói: Nghề này bạc lắm! Anh thành công nhờ nghề của mình mà sao nói câu đó? Không thích thì làm vì cái gì hay anh vào nghề chỉ nhằm vụ lợi? Khi yêu nghề, đam mê nghề thì anh phải tôn trọng nghề. Thế hệ của chúng tôi ít người có suy nghĩ như vậy. Chúng tôi chỉ muốn truyền cảm hứng đam mê nghề nghiệp và dùng nghề nghiệp của mình để làm đẹp xã hội, để tôn vinh những giá trị Chân - Thiện - Mỹ của con người. Bởi thế, chính môi trường nghệ thuật cũng làm cho chúng tôi tự hoàn thiện nhân cách của mình.
Điều gì làm nên một NSƯT Thành Lộc của ngày hôm nay?
- Tôi biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình, đồng thời biết sửa dần điểm yếu và phát huy điểm mạnh. Có hai điều quyết định lớn đến sự thành công của tôi. Thứ nhất là tôi biết tôi đang ở vị trí nào. Thứ hai là tôi không bao giờ đi một mình. Quanh tôi luôn có các cô chú, anh chị, các bạn và các em đồng nghiệp. Sẽ không một ngôi sao nào có thể làm nên bầu trời mà bầu trời phải có nhiều ngôi sao, dù ánh sáng yếu hay mạnh, mỗi ngôi sao đều có giá trị riêng. Sân khấu luôn rất cần sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, đồng đội .
Thời gian gần đây thấy NSƯT Thành Lộc chuyển sang làm công tác đạo diễn. Điều gì đã khích lệ ông chuyển sang một lĩnh vực mới?
- Tôi say mê nghệ thuật sân khấu hơn tất cả. Ngoài nghề diễn viên, tôi muốn làm đạo diễn để thể hiện được hết tâm nguyện của mình và mong gắn bó trọn đời với sân khấu kịch. Về công tác đạo diễn, tôi thường chọn những kịch bản có nội dung lạ, ý tưởng mới. Như vở “Lôi Vũ” của tác giả Tào Ngu hay vở “Tin ở hoa hồng” của Lưu Quang Vũ là tôi mạnh dạn cách tân đưa lên sân khấu vũ nhạc kịch. Các vở khác như: “Tiên Nga”, “Bí mật vườn Lệ Chi”, “12 bà mụ”, “Alô! Lộ hàng”… cũng tương tự. Điều khích lệ tôi là những vở do tôi dàn dựng luôn được đông đảo khán giả ủng hộ nồng nhiệt. Tôi đang tìm thêm những kịch bản mới để dựng tiếp, vẫn với phương hướng đi tìm cái hay, cái mới lạ cho sân khấu kịch.
Nhiều người vẫn cho rằng có gia đình riêng mới có hạnh phúc trọn vẹn, là tổ ấm cho hạnh phúc nương náu... Ông nghĩ sao về quan niệm này?
- Tôi cho là hạnh phúc không phải là giá trị bất biến, với người này thế là hạnh phúc, người khác lại cả đời đi tìm hạnh phúc khi chung quanh ai cũng tưởng người ấy hạnh phúc. Thật ra cũng có nhiều người cứ gặp tôi là hỏi “Sao Thành Lộc chưa chịu lập gia đình?”.
Theo tôi, gia đình riêng không thể là thước đo duy nhất giá trị của một đời người. Tôi sống và suy nghĩ hơi khác nhưng tôi không đả kích cách chọn lựa hạnh phúc của người khác và cũng không muốn ai định hình cách sống cho mình.
Dù đã ở tuổi lục tuần nhưng khán giả luôn thấy năng lượng nghề dồi dào của Thành Lộc khi ông vẫn mải miết trên sân khấu. Đã khi nào ông nghĩ đến kế hoạch nghỉ hưu?
- Tôi không lên kế hoạch sẽ giải nghệ dù nhiều rất người trong chúng ta có quan niệm đàn ông về hưu là 60 hoặc 65 tuổi. Mục tiêu của tôi là tiếp tục những công việc thú vị, được đi trải nghiệm nhiều nơi. Ở thời điểm hiện tại, hạnh phúc của tôi đơn giản là được tiếp tục đắm mình trong ánh đèn, trong các vở diễn trên sân khấu. Khi tuổi tác càng cao, chắc tôi cũng phải dành tâm sức cho nơi nào mình có thể tìm được nhiều hạnh phúc nhất. Và có lẽ tôi đã tìm thấy hạnh phúc ở sân khấu.
Cảm ơn NSƯT Thành Lộc về cuộc trò chuyện!
NSƯT Thành Lộc sinh năm 1961, tại TPHCM trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha là NSND Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai. Anh chị của Thành Lộc là Bạch Long, Bạch Liên đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Với gần 40 năm làm nghề, tên tuổi Thành Lộc gắn liền với các tác phẩm: “Đêm họa mi”, "Lôi Vũ”, “Đối mặt”, “Dạ cổ hoài lang”, “Hợp đồng mãnh thú”... Ông cũng từng ghi dấu ấn trong các tác phẩm điện ảnh: “Mùi ngò gai”, “Ngôi nhà bươm bướm”, “Phượng khấu”, “Chàng trai năm ấy”, “Tấm Cám chuyện chưa kể”... Năm 2001, Thành Lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.