Mùa… gặp lại
Không hẹn mà gặp, đã và sắp có những chương trình âm nhạc mà ở đó, công chúng được gặp lại những thần tượng âm nhạc của mình. Có thể là một cuộc gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những ca khúc ông để lại trong đêm nhạc “Giấc mơ Trịnh”, hay tới đây, sẽ “gặp lại” nhạc sĩ Phú Quang trong đêm nhạc “Hà Nội mùa chuyển”, và trò chuyện với nhạc sĩ Trần Tiến trong đêm nhạc “Nửa thế kỷ phiêu bạt”.
1.Mới đây, nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, liveshow đặc biệt “Giấc mơ Trịnh” đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong hai đêm (1 và 2/4).
Vì triết lý và nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn luôn hiện hữu, an ủi chúng ta mỗi ngày nên dẫu đã 22 năm trôi qua, kể từ khi ông về với “thiên đường cuối trời thênh thang”, giới mộ điệu vẫn miệt mài khắc họa chân dung về người “đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Trong hành trình của những giấc mơ đó, 15 năm qua các Trịnh khách đã lui tới phòng trà Trịnh Ca, nương tựa vào âm nhạc Trịnh Công Sơn, nối tình yêu với nhạc Trịnh.
Công chúng yêu nhạc Trịnh đã đến kín khán phòng, thưởng thức những ca khúc nổi tiếng của người nhạc sĩ tài hoa, qua sự thể hiện của các nghệ sĩ phòng trà như: Lê Tâm, Diệu Thúy, Bích Ngọc, Tuấn Anh, Mai Loan, Minh Đức, Trần Tuấn Hòa, Nhật Thảo, Anh Phong, Thanh Hương, Trí Anh, Nhật Trường, Huy Quyết, Hoàng Trang và Nguyễn Đông…
Mỗi người đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn bằng một cơ duyên khác nhau. Đó có thể là đêm hè nóng bức thuở nhỏ được ghé tai cạnh chiếc đài radio vang lên “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay…” hoặc những ngày mưa mất điện, bố ôm guitar ra sân nhà nghêu ngao “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”.
Trên sân khấu Nhà hát Lớn, Bích Ngọc, Mai Loan khẳng định là những giọng hát trải nghiệm, cảm xúc; Diệu Thúy giữ được sự hồn nhiên mộc mạc; Lê Tâm trưng trổ giọng hát kỹ thuật mà cảm xúc…
Nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ: “Những nghệ sĩ Trịnh Ca được khán giả yêu mến từ lâu. Có thể họ không phải những ngôi sao nhưng khi họ thực hiện được ước mơ, thì sẽ cảm xúc hơn cả những nghệ sĩ đã thành danh”.
“Cảm nhận của khán giả với "Giấc mơ Trịnh" chắc chắn khác đi. Nếu cứ xem một chương trình đã đóng khung từ trước đến nay, có nghĩa là bạn đang tưởng nhớ chứ không phải ngẫm lại mình là ai trong đây, "tôi là ai trong cuộc đời này". Các ca sĩ của Trịnh Ca hát bằng trái tim của mình, đã thỏa nguyện ước mơ, hy vọng khán giả cảm nhận được và thấy mình trong đó” - nhạc sĩ Nguyễn Quang bày tỏ.
2.Sau “bữa tiệc” âm nhạc để nhớ về Trịnh Công Sơn, tới đây, cũng tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, những người yêu nhạc Phú Quang sẽ có cơ hội thưởng thức những tác phẩm nổi tiếng như: “Em ơi, Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Nỗi nhớ mùa đông”… Theo đó, liveshow “Hà Nội mùa chuyển” sẽ được tổ chức với sự tham gia của các giọng ca: Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh 3A và Hà Trần.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam, người thực hiện đêm nhạc mở màn cho chuỗi chương trình "Hà Nội mùa chuyển" cho biết, với mong muốn góp phần tạo nên một bước chuyển cho đời sống văn hóa giải trí Thủ đô, chương trình là điểm hội tụ của nhiều anh tài từ các lĩnh vực, không nhằm mục tiêu bán vé mà sẽ tiệm cận một sự kiện văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức vừa đa dạng vừa chuyên sâu của khán giả hôm nay.
Nghệ sĩ Trinh Hương - con gái lớn của nhạc sĩ Phú Quang cho biết, trước khi cha mình qua đời đã làm di chúc để lại toàn bộ bản quyền âm nhạc mang tên ông cho các con. Trong đó, nghệ sĩ Trinh Hương được ông giao việc quản lý, định đoạt, điều hành di sản âm nhạc mà ông để lại.
Con gái nhạc sĩ Phú Quang cho biết, sắp tới đây các sáng tác của cha mình sẽ được vang lên trong đêm nhạc chung với nhạc sĩ Đỗ Bảo có tên gọi "Hà Nội mùa chuyển" diễn ra vào tối 21 và 22/4. Song hành cùng chương trình, họa sĩ Lê Thiết Cương tham gia với hai tác phẩm sắp đặt trên sân khấu và ở sảnh. Đây cũng là lần đầu tiên có một đêm nhạc chung giữa hai nhạc sĩ Phú Quang - Đỗ Bảo.
3.Những người yêu nhạc còn có một cuộc gặp gỡ với một nhạc sĩ rất đặc biệt: Đó là Trần Tiến. Vào lúc 20h ngày 13/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, liveshow “Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt” sẽ được tổ chức. Đêm nhạc ghi dấu nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật của Trần Tiến, với sự tham gia của chính nhạc sĩ, để ông kể những câu chuyện hóm hỉnh về cuộc sống, về tình yêu và những bài ca của mình. Đêm nhạc còn có sự tham gia của nhiều ca sĩ như: Bằng Kiều, Hà Trần, Uyên Linh, Trung Quân...
Nói về đêm nhạc sắp tới, nhạc sĩ Trần Tiến hóm hỉnh: “Tôi dù có tuổi nhưng vẫn rất thích được gần với đời sống, gặp gỡ khán giả”. Dù không tiết lộ về các tiết mục trong đêm nhạc, song Trần Tiến khẳng định "vẫn sẽ hát như chàng trai trẻ ngày xưa, chứ không phải là ông cụ như bây giờ". Tác giả "Vết chân tròn trên cát" bộc bạch: “Từ xưa đến nay tôi có thể diễn hơn 1.000 đêm nhạc nhưng chưa bao giờ tổ chức đêm nhạc cho riêng mình. Nhưng dù sân khấu 6.000 khán giả hay 25.000 người ngoài sân vận động cho đến sân khấu 2-3 người thì vẫn cứ là tôi. Tôi có gì thì hát và kể như thế".
Nhạc sĩ nói những năm qua, ông sáng tác rất nhiều nhạc phẩm. Ngay cả khi trên giường bệnh, Trần Tiến vẫn say sưa viết, dù hoàn thành xong, ông chỉ giữ lại cho riêng mình. Đáng chú ý trong thời gian gần đây, ông viết ca khúc "Không gục ngã". Ông kể lại ca khúc được viết khi đang điều trị bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 4 tại Bệnh viện Ung bướu.
"Tôi mắc ung thư vòm họng giai đoạn 4. Trong quá trình điều trị, tôi chứng kiến cảnh những người mắc bệnh như mình đã ra đi. Không ai chịu nổi sự hành hạ của những tia xạ. Tôi đã trải qua 30 lần phải bắn tia xạ và gần như gục ngã”, Trần Tiến vẫn giữ được sự hóm hỉnh của mình. “Tôi không sáng tác cho ai cả. Tôi sáng tác cho mình đỡ chóng chết. Tôi phải hát hò, viết nhạc. Tôi viết rất nhiều nhưng không phải đem ra bán, chỉ giữ cho riêng mình”.
Thời điểm đó, ông tận mắt chứng kiến nhiều người bệnh lần lượt ra đi, nhưng điều đó không làm ông gục ngã, mà tiếp thêm sức mạnh để sống mạnh mẽ hơn, yêu cuộc sống hơn.
Còn về lý do chọn tên “Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt” cho liveshow, nhạc sĩ cho biết ban đầu, nhạc sĩ Nguyễn Cường - bạn thân nhất của ông - một mực khẳng định Trần Tiến phải lấy từ “lãng du” thay vì “phiêu bạt”. Song khi nghĩ lại, Trần Tiến nói dù ông có “máu lãng du”, “phiêu du” nhưng những bể dâu cuộc đời đã đẩy ông vào chốn phiêu bạt. Khi đi đến đâu, ông đều sáng tác các ca khúc vui vẻ đến đó.
“Vì vậy, những từ phiêu lưu, phiêu bạt, lãng du đều đúng. Nhưng đúng nhất, không phải là lãng tử mà là sinh tử. Đúng nhất, không phải phiêu du mà là phiêu bạt”, nhạc sĩ Trần Tiến bày tỏ.
Đêm nhạc "Nửa thế kỷ phiêu bạt" được chia thành 3 phần gồm Guitar (Câu chuyện về người lính, những phận người trong chiến tranh qua con mắt âm nhạc của chàng trai trẻ); Ngẫu hứng (Câu chuyện đời và tình yêu, những câu chuyện từ cuốn nhật ký của người đàn ông với trái tim yêu cuộc đời tha thiết) và Trắng đen (Những chiêm nghiệm của một cây đàn cũ, chứng kiến mọi thăng trầm của đời sống).
Trần Tiến cũng khẳng định đây không phải là liveshow cuối cùng của ông, cũng không hẳn là lời tổng kết để dừng lại hành trình âm nhạc. Nhạc sĩ cho rằng lời tổng kết đáng giá nhất về âm nhạc của người nghệ sĩ nằm trong tim khán giả và những gì ông muốn nói đều gửi gắm thông qua giai điệu của các nhạc phẩm.