Tìm về Phù Lãng

NGUYỄN TRỌNG VĂN 22/04/2023 07:16

Có lẽ Phù Lãng là làng nghề duy nhất ở nước ta vẫn còn “mùi khói”. Nói cách khác, nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì gốm Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc với “hồn cốt” từ lửa củi và cả khói…

Tình người, tình đất

Chúng tôi về huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vào một ngày cuối xuân. Từ đường quốc lộ 18 vào làng phải “vượt” qua những cánh đồng lúa xanh rì, gió xuân dạt dào nghe như đâu đây câu quan họ. Làng Phù Lãng nằm bên bờ nam sông Cầu “nước chảy lơ thơ”, chỉ nghe thôi đã nao lòng cùng tình người, tình đất. Làng quê có cái tên nghe độc đáo đã nhiều năm nay trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Trên tầng 2 của khu nhà khách, mấy ông bạn viết già kéo nhau ra ban công hóng gió và hàn huyên. Khoảng 9 giờ tối, đầu tiên là thoảng trong làn gió vừa đưa tới rồi cứ đậm dần, đậm dần. Không gian chợt “ấm” trong mùi khói củi. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi cùng đưa mắt nhìn vào làng. Đêm nay trời quang, gió nhè nhẹ nên những đụn khói không tỏa tràn lan mà đang tỏa bốc cao lên. Những đụn khói cao dần, cao dần rồi chẳng mấy chốc như bao phủ “mái làng”. Và như thế và như thế, mùi khói củi âm ấm, mùi khói củi nồng nồng đang che chở những mái nhà im lặng trong đêm.

Sản phẩm làng gốm Phù Lãng.

Còn nhớ, quãng cuối năm 1976, khi ấy tôi cùng đội chiếu phim đến phục vụ một đơn vị đóng quân sát biên giới ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Gần sáng tôi tỉnh dậy, gió đông buốt lạnh ùa tới nên cơn thèm thuốc lá cũng ập đến thôi thúc. Tôi vội rời thùng xe tải, chỗ ngủ của tôi đêm qua, để tìm lửa châm điếu thuốc. Theo mùi khói bếp được gió đưa tới nên không khó khăn gì để tôi tìm được bếp đại đội. Tôi nhẹ chân bước vào, ở đó có một bếp củi cháy rừng rực và một cô “Lê Anh Nuôi”. Hơi lạ ở chỗ cô bộ đội chốc chốc lại đưa tay chao chao khói bếp rồi đưa lên hít hà với cảm giác khoan khoái.

Mãi lâu, khi tôi được cô ấy cho phép ngồi cạnh thì mới được biết đúng là cô ấy chao khói đưa lên mũi ngửi thật. Tôi hỏi đùa: “Em nghiện khói bếp à?”. Cô ấy cười bẽn lẽn: “Em nhớ nhà, em thấy nhớ quê nên làm thế thôi”. Và lại mãi lâu nữa cô ấy mới cho tôi biết là cô quê ở làng gốm Phù Lãng. Cô ấy bảo: “Người quê em ngửi mùi khói củi đốt gốm từ khi còn nằm trong bụng mẹ kia. Ngửi từ khi ấy nên giờ xa quê em thấy nhớ nhà. Em chao khói đưa lên hít là thấy nhẹ vơi trong lòng anh ạ”.

Sản phẩm của làng gốm Phù Lãng.

Người trẻ làm mới gốm

Sáng hôm sau, chúng tôi được các cán bộ xã đội xã Phù Lãng dẫn tới thăm công ty Thiên Lý, một công ty làm gốm từ khâu thiết kế, sản xuất, nung gốm đến bán hàng. Bà giám đốc công ty đến dẫn chúng tôi thăm khu sản xuất. Tới khu đặt các sản phẩm vừa ra lò thấy mẫu mã gồm toàn tượng đất nung còn nóng, tôi giơ máy ảnh định chụp thì bà giám đốc ngăn lại bởi lý do sản phẩm vừa xong khâu thử nghiệm, chưa đưa ra thị trường.

Bà giám đốc nói rồi chỉ tay vào một cậu thanh niên chừng 30 tuổi, dáng gầy nhỏ và giới thiệu: “Con trai lớn của tôi đấy các bác. Mẫu mã này đều do cháu thiết kế và trực tiếp lên khuôn. Mấy hôm nung cháu hầu như thức suốt đêm”.

Thì ra Chính - con trai bà giám đốc, đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tốt nghiệp, cậu không ở lại Hà Nội mà quyết định trở về làng. Đã thế Chính còn kéo luôn được cô bạn cùng học là gái Hà thành chính hiệu về cùng. Rồi hai người tâm đầu ý hợp “dựng lại” nghề gốm cổ truyền. Nhìn vào những sản phẩm gốm, tôi nói với Chính: Thảo nào chú thấy hình cô gái tượng mẫu trông xinh xinh này khá quen. Ra là cháu lấy khuôn mặt vợ để làm mẫu, rất được đấy.

Chính cười hồn nhiên, giọng cậu nhẹ nhàng: Sản phẩm gốm truyền thống của làng cháu xưa nếu không là chum vại muối dưa cà thì cũng là tiểu sành đựng tro cốt các cụ. Tuy các sản phẩm ấy vẫn được mọi người dùng tới nhưng giá trị không cao. Hơn nữa sức tiêu thụ cũng kém”. Tôi vội chen ngang: “Vậy cháu đã làm mới cho gốm?”. Chính lại cười: “Chẳng riêng mình cháu đâu. Thợ gốm cả làng đều nhận thấy sản phẩm truyền thống bị lép vế trước những sản phẩm gốm sứ nơi khác. Chúng cháu nhận ra phải làm mới. Mới về mẫu mã. Mới về hình thức và mới về khâu tiếp cận thị trường".

Một bức tranh gốm Phù Lãng.

Quả là cánh trẻ có khác. Có chí tiến thủ và nhất là dám làm dám chơi. Câu chuyện của Chính lại đưa tôi về chuyện nung gốm. Chính cho hay: “Gốm Phù Lãng “ăn nhau” ở chỗ đây là hoàn toàn sản phẩm được nung bằng củi”. Tôi bảo: “Sao không nung bằng ga, bằng than? Chứ nung bằng củi vừa khói bụi lại không ít nhiêu khê”. Chính cười, cậu cho biết: “Sau công đoạn vào men và tạo màu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ đến 1.000 độ C, để đảm bảo gốm có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bóng và chắc”.

Tôi lại hỏi: “Chắc nung bằng củi rẻ hơn phải không?”. Chính lắc đầu, cậu cho hay: “Chi phí cho mỗi mẻ đốt lò từ 25 - 30 triệu đồng. Việc sử dụng phương pháp truyền thống là dùng củi để nung là nhờ vào sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi”. Rồi Chính hồ hởi: “Nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì gốm Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc với sự tạo nên “hồn cốt” từ lửa củi và cả khói ”.

Gốm xếp ven ngõ làng Phù Lãng.

Nói rồi Chính chỉ tay vào một số sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm cả sản phẩm gốm tráng men và sản phẩm gồm mộc (không tráng men), cậu hỏi: “Các chú có thấy gì không?”.

Quả là câu hỏi khó, nhưng tôi vẫn nghiêng đầu ngắm nghía các sản phẩm đó, tôi lắc đầu thú thực: “Chú không nhận ra gì khác cả”. Chính cho hay: “Sản phẩm gốm nung bằng củi có cái hay và độc lạ là lửa và khói trong lò nung đã vô tình tạo nên những mảng ánh màu khác nhau" - Nói rồi Chính cầm lên một sản phẩm đưa cho chúng tôi xem - "Các chú nhìn kỹ mà xem. Đấy, dù là gốm tráng men hay không tráng men khi nung xong và ra lò nhìn sẽ thấy những vệt lửa hay vệt khói, nó tạo nên màu sắc đa dạng chứ không chỉ có một màu. Gốm Phù Lãng hay là chỗ đó, sản phẩm có màu sắc không đều nhau nên mới quý. Nhìn tưởng vẽ mà không phải vẽ chú ạ”.

Chuyến về làng gốm Phù Lãng qua nhanh, ngôi làng bình yên giữa trời xanh biếc xanh chợt dâng lên thong thả những làn khói mảnh. Bất giác tôi đưa tay chao chao trong không khí rồi hít hà. Một mùi khói củi lò gốm ấm áp lan tỏa…

NGUYỄN TRỌNG VĂN