Khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp

Nam Việt 13/04/2023 06:36

Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022. Kết quả cuộc khảo sát PCI 2022 trên cơ sở phản hồi của gần 12.000 doanh nghiệp. Với kết quả công bố, có địa phương vui nhưng cũng có địa phương buồn. Và điểm rất đáng chú ý trong khảo sát lần này là nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, thuế phí vẫn còn nặng nề.

5 tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng CPI 2022 lần lượt là Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế. 5 tỉnh cuối bảng xếp hạng lần lượt là Quảng Trị, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Điện Biên, Cao Bằng. Hà Nội thứ 20/63 tỉnh, còn TPHCM là 27.

Theo VCCI, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi: 1/Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2/Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3/Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4/Chi phí không chính thức thấp; 5/Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6/Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7/Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp (DN); 8/Dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, chất lượng cao; 9/Chính sách đào tạo lao động tốt; và 10/Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Đáng chú ý, nhìn vào tiêu chí xếp hạng CPI 2022 của VCCI cho thấy thuế, phí vẫn làm phiền DN khi tỷ lệ DN cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế gia tăng đến mức đáng quan ngại: từ 33,8% của năm 2021 lên 54,5% trong năm 2022. Trong số các thủ tục hành chính thuế, số DN cho hay gặp vướng mắc tại khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên tới 49%. Tiếp đến là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%). Có đến 53,8% DN chia sẻ rằng “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, trong khi tỷ lệ này của năm 2021 là 47,6%. Mặt khác, tình trạng trả chi phí không chính thức, có tới 42,6% DN cho biết đang phải chi trả các “chi phí” này trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Báo cáo CPI 2022 chứng tỏ rằng, nếu như năm 2021, khoảng 31,9% DN đánh giá “các cơ sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo thành phố’, thì đã tăng lên mức 45,2%, trong năm 2022.

Như vậy, nếu như báo cáo của VCCI là sát thực tế, thì cải cách hành chính vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa, nhất là ở khâu thuế, phí. Một dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện khi báo cáo cho biết 71,7% DN đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN là phổ biến”, trong khi tỷ lệ này trong năm 2021 là 57,4%.

Nhân đây, cũng xin được đưa lại một vụ việc như một dẫn chứng “hé lộ” cảnh DN đi đêm với cán bộ thuế. Vụ án xảy ra tại Công ty nhà Thủ Đức và Cục thuế TPHCM. Theo hồ sơ, từ năm 2016-2020, Trịnh Tiến Dũng thành lập, sử dụng nhiều DN để thực hiện tội phạm. Dũng thuê người thu gom Chứng minh nhân dân để lập công ty “ma”. Các công ty “ma” được lập ra nhằm phục vụ xuất hóa đơn Giá trị gia tăng (GTGT) khống cho các công ty trung gian, làm cơ sở để các công ty này xuất hóa đơn GTGT đầu vào cho Công ty nhà Thủ Đức, Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh thực hiện việc kê khai và hoàn thuế GTGT.

Nhóm tội phạm đã “trao đổi”, thỏa thuận chi tiền cho cán bộ thuế tỷ lệ 0,2%-0,3%/tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của các công ty. Đổi lại, cán bộ thuế không đề xuất cấp trên kiểm tra hoạt động kinh doanh; hoặc báo trước việc kiểm tra, thanh tra thuế để chúng làm thủ tục chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh đi nơi khác; báo trước những công ty có thể bị cưỡng chế thu thuế để nộp thuế ngay, tránh việc bị cưỡng chế.

Trong vụ này, Cơ quan tố tụng xác định Đào Thị Nga - Chi cục Thuế quận 1; Nguyễn Phương Nam - Chi cục thuế quận 3; Ngô Huỳnh Lũy - Chi cục thuế quận 5; đã thực hiện hành vi nhận hối lộ. Theo cơ quan điều tra, từ sự “bắt tay” này, Nam nhận hối lộ 6,1 tỷ đồng; Nga nhận hối lộ 776 triệu đồng; Lũy nhận hối hộ 497 triệu đồng.

Như vậy chỉ qua một vụ “bắt tay” của cán bộ thuế đã cho thấy mức độ phạm tội rất nghiêm trọng. Đây là khâu yếu cần phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên, để không chỉ ngăn chặn hành vi cửa quyền của cán bộ thuế mà còn ngăn chặn cả hành vi nhận hối lộ.

Nam Việt