Hà Nội tính chuyện bảo tồn biệt thự cũ
Toàn bộ 1.216 biệt thự tại TP Hà Nội sẽ được khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng nhằm xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm để có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành. Vấn đề đặt ra là bảo tồn biệt thự cũ như thế nào?
Ưu tiên kiểm định 24 biệt thự, 8 công trình kiến trúc
Theo kế hoạch số 115/KH-UBND về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố theo Chương trình số 03- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, trong 1.216 biệt thự trước mắt sẽ ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý để bảo tồn, chỉnh trang. Mục đích nhằm xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm để có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành.
24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc nói trên vốn đã được xếp nhóm 1, nhóm 2 thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không được bán, hiện Nhà nước quản lý, sử dụng. Theo kế hoạch, việc kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước do TP Hà Nội quản lý, thực hiện xong trước 30/9/2023. Đối với 1.192 biệt thự còn lại sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá sơ bộ bằng phương pháp trực quan và chuyên gia, đưa ra đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của các kết cấu và phải hoàn thành xong trước ngày 30/6/2024.
Trong 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc được ưu tiên kiểm định có căn số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, diện tích hơn 400 m2. Đây là biệt thự do cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Văn Nghiên từng thuê từ năm 2002-2014. Sau đó không có người sử dụng, hiện biệt thự đang bị bỏ hoang. Căn biệt thự này đã nhiều lần được cử tri quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố có phương án quản lý, sử dụng. Tuy nhiên do Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng nên Hà Nội vẫn chưa đưa ra phương án quản lý, sử dụng đối với biệt thự này.
Lần này Tháp nước Hàng Đậu cũng được đưa vào trong số 24 biệt thự cũ được ưu tiên kiểm định. Đây là một trong những kiến trúc lâu đời còn sót lại của Thủ đô, là tháp nước cổ xưa nhất và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người Hà Nội.
Bảo tồn và thích nghi
Tháng 6/2022, Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn. Theo đó, tất cả nhà biệt thự thuộc danh mục (gồm cả sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân) được phân cấp theo các mức độ để quản lý, tuyệt đối không được tự ý phá dỡ. Trường hợp biệt thự bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, muốn cải tạo phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng và được cấp thẩm quyền cho phép.
Chính vì vậy lần này, theo kế hoạch Hà Nội đưa ra việc khảo sát chi tiết được thực hiện bằng các dụng cụ và thiết bị chuyên dụng thí nghiệm, tính toán và đánh giá mức độ an toàn của kết cấu nhà và công trình. Từ đó, để xuất phương án xử lý tiếp theo như: tiếp tục sử dụng, sửa chữa, gia cường, hoặc các biện pháp can thiệp khác.
Liên quan đến việc kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự cũ và 8 công trình kiến trúc khác, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu, Sở Xây dựng tiếp nhận và quản lý hồ sơ khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng toàn bộ các biệt thự trên địa bàn thành phố để khai thác, sử dụng, quản lý nhà nước về biệt thự.
Bên cạnh đó, ông Tuấn giao Sở Văn hoá thể thao hỗ trợ việc cung cấp thông tin biệt thự có giá trị lịch sử văn hoá, cách mạng, cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin chuyên ngành để thực hiện việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự.
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia cho rằng: Chỉnh trang biệt thự cũ cần phân loại để có cách “đối xử” khác nhau. Bởi bảo tồn cũng cần thích nghi với đời sống hiện tại. Những biệt thự có giá trị thì cần giữ nguyên trạng; có biệt thự chỉ giữ dáng vẻ bên ngoài, cải tạo nội thất. Bởi vậy không thể áp chung “một công thức” cho tất cả các loại biệt thự.
Trong phân loại đánh giá, theo ông Bài, cần lưu tâm tới phân loại giá trị kiến trúc, phân loại tình trạng kỹ thuật bền vững hay không bền vững? Có căn biệt thự có thể giữ nguyên trạng, có căn phải cải tạo để thích nghi. Có căn xuống cấp quá không bảo tồn được thì phải đập bỏ nếu tình trạng kỹ thuật quá xấu, ảnh hưởng tới tính mạng con người. Vì cũng như con người, cái gì cũng có “tuổi thọ”. Biệt thự cũ quá thì cũng phải bỏ, không thể giữ được tất cả. Nhất là có biệt thự nằm ở vị trí ẩm thấp, tuổi thọ sẽ kém những căn ở vị trí thông thoáng. Khi đã xuống cấp nghiêm trọng, “bệnh” nặng quá thì không cứu chữa được.
“Cho nên trước tiên chúng ta cần phải khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng để phân loại đối với từng trường hợp biệt thự cụ thể trước khi bảo tồn chứ không áp dụng chung cả 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc” - ông Bài lưu ý.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nêu quan điểm: Về nguyên tắc chung khi bảo tồn bất kỳ các loại di sản nào cũng phải tôn trọng tính lịch sử, làm sao bảo tồn, khôi phục, giữ gìn song vẫn phải giữ nét lịch sử giá trị của di sản văn hoá chứ không phải “phá cách”… thành cái hôm nay, không đúng với giá trị của di sản. “Muốn bảo tồn thì phải giữ vững được nguyên tắc đó thì mới gọi là bảo tồn”- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội lưu ý.
“Muốn bảo tồn biệt thự cũ, trước tiên phải phân loại đánh giá thực trạng đối với từng biệt thự một cách tỉ mỉ, chi tiết chứ không thể à uôm. Phải tôn trọng tính lịch sử, giữ cho được tính lịch sử. Nếu không sẽ ra “biệt thự mới” thì mất hết ý nghĩa”- ông Mỳ nói đồng thời nhấn mạnh: “Biệt thự xây từ thời Pháp thì phải giữ được nét cổ kính của thời Pháp chứ không phải thời…hiện đại. Cho nên bây giờ từ việc đánh giá đúng hiện trạng thì mới đưa ra phương án bảo tồn hợp lý. phương án phải thật cụ thể, tỉ mỉ đối với từng biệt thự”.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), cần phải bảo toàn biệt thự cũ ở Hà Nội vì ngoài giá trị sử dụng như một nơi ở thì còn là giá trị văn hoá. Cho nên nó rất ý nghĩa, có giá trị lịch sử. Ông Trí dẫn chứng rằng: Tại Anh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, những công trình càng cổ thì càng có giá trị. Tôi đã đến Trường Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh được xây dựng từ năm 1209, đến nay đã gần 1000 năm; họ rất tự hào về ngôi trường này. Cầu thang hỏng nhưng họ không sửa. Tôi hỏi, họ bảo rằng: “sự cót két chính là tầm cỡ, cái hay”. Tôi đến Hoa Kỳ, nơi James D. Watson là người đồng khám phá ra cấu trúc xoắn kép của DNA thì đến nay vẫn giữ nguyên cái ghế lúc ông James D. Watson ngồi nghiên cứu khám phá ra cấu trúc xoắn kép của DNA làm thay đổi toàn bộ quan điểm về di truyền sự sống. Đến nay miếng gỗ của chiếc ghế họ vẫn không thay.
“Cho nên đối với biệt thự cũ ở Hà Nội bên cạnh giá trị sử dụng thì quan trọng nhất là giá trị văn hoá, là lịch sử của Hà Nội được minh chứng qua các thời kỳ, qua các căn biệt thự cũ. Hầu hết kiến trúc các biệt thự này đều rất đẹp. Vì vậy chúng ta cần gìn giữ, bảo tồn. Nhưng quan trọng nhất để bảo tồn cho tốt chúng ta cần các cơ chế, chính sách, pháp luật, các văn bản để chính thức hoá việc bảo tồn sao cho đúng, khoa học, hợp lý” - ông Trí nói.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nêu quan điểm: Về nguyên tắc chung khi bảo tồn bất kỳ các loại di sản nào cũng phải tôn trọng tính lịch sử, làm sao bảo tồn, khôi phục, giữ gìn song vẫn phải giữ nét lịch sử giá trị của di sản văn hoá chứ không phải “phá cách”… thành cái hôm nay, không đúng với giá trị của di sản. “Muốn bảo tồn thì phải giữ vững được nguyên tắc đó thì mới gọi là bảo tồn”- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội lưu ý.
Những biệt thự nào được ưu tiên kiểm định?
24 biệt thự cũ ưu tiên kiểm định gồm: Biệt thự tại số 10 Điện Biên Phủ; 26 Điện Biên Phủ; 17 Điện Biên Phủ; 71 Quán Thánh; 34 Phan Đình Phùng; 42 Quang Trung; 46 Trần Hưng Đạo; 51 Lý Thái Tổ; 62 Phan Đình Phùng; 12 Nguyễn Chế Nghĩa; 63 Bà Triệu; 5 Lê Phụng Hiểu-20 Tôn Đản; 67 Bà Triệu; 135 Phùng Hưng; 80 Nguyễn Du; 54 Nguyễn Du; 172 Bà Triệu; 36-38 Tăng Bạt Hổ; 28D Điện Biên Phủ; 83 Quán Thánh; 97 Quán Thánh; 12-14 Phan Đình Phùng; 36 Ngô Quyền; 55D Hàng Bài.
Bên cạnh đó, 8 công trình kiến trúc khác ưu tiên kiểm định, gồm: Báo Hà Nội mới, số 44 Lê Thái Tổ; Tháp nước Hàng Đậu; Trụ sở công an thành phố, 87-89 Trần Hưng Đạo; Cột cờ Hà Nội, số 28B Điện Biên Phủ; Trường PTTH Phan Đình Phùng, 30 Phan Đình Phùng; Trường THPT Chu Văn An, số 10 Thuỵ Khuê; Trường THPT Trần Phú, số 8 Hai Bà Trưng; Trường THPT Việt Đức, số 47 Lý Thường Kiệt.