Bảo tồn biệt thự, phải giữ được 'hồn, cốt'
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội chia sẻ về vấn đề bảo tồn biệt thự cổ với Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa ông, biệt thự cũ trước năm 1954 là nét văn hoá, di sản của Hà Nội. Vậy trong quá trình chỉnh trang để bảo tồn cần chú ý đến những vấn đề gì?
TS Đào Ngọc Nghiêm: Biệt thự cũ là “quỹ di sản” đặc biệt của Hà Nội, một minh chứng của cả thời kỳ phát triển hội nhập của Thủ đô. Đã có rất nhiều nghiên cứu ở trong và ngoài nước, các trường đại học về bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội. Vừa qua TP Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt các biệt thự có giá trị của Hà Nội để bảo tồn thì bây giờ trong đánh giá khảo sát cần phải có sự phân loại. Việc đánh giá từng biệt thự phải trên cơ sở phân loại có tính khoa học và thực tiễn cao.
Nét nổi trội của các biệt thự này thể hiện phong cách kiến trúc hội nhập mà đã được chỉnh trang cho phù hợp với điều kiện khí hậu của Hà Nội và Việt Nam. Đó là nét nổi trội và minh chứng của cả văn hoá Thủ đô nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung, hoà nhập với thế giới. Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng sống của người dân trong các biệt thự. Để phát huy giá trị chúng ta cần phân loại chúng. Theo đó, có loại giá trị đặc biệt cần bảo tồn nguyên trạng, đây là việc phức tạp nhưng cần phải làm. Loại thứ hai là loại có giá trị trung bình cần bảo tồn phong cách của nó nhưng được phép cải tạo nội thất bên trong. Còn loại thứ ba chỉ cần giữ gìn một số công trình chính thôi còn có thể cải tạo khu vực xung quanh. Nhưng cái chính để cải tạo chỉnh trang cần chú trọng đến đặc điểm của từng loại biệt thự. Nếu chúng ta “đổ đồng” thành một loại thì không hợp lý.
Ông nghĩ sao khi lần này ưu tiên khảo sát, kiểm định, đánh giá đối với 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc?
- Lần này kế hoạch của thành phố đưa ra là chú trọng vào 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc. Đây đều là những biệt thự có giá trị đặc biệt. Để làm được việc này, bên cạnh việc có khung pháp lý, theo tôi cái cần nhất là cần vận động các cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia am hiểu để nhận diện từng công trình.
Bên cạnh đó cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng biệt thự không phải bảo tàng “vật thể chết” mà là “vật thể sống”. Cho nên người dân phải thực hiện được mục tiêu sống ở trong biệt thự chứ không nên chia quá nhiều hộ gia đình ra mà mỗi biệt thự là một hộ gia đình. Và người dân cũng phải có trách nhiệm gìn giữ.
Về phía Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tạo, điều kiện. Đây là bài học kinh nghiệm của nước ngoài. Ngay cả các nước phát triển như Ý, Pháp…thì đều có hỗ trợ cho người dân để thực hiện bảo tồn biệt thự theo nguyên trạng. Ví dụ cửa gỗ, phong cách kiến trúc.
Ngoài ưu tiên kiểm định đối với 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thì cũng sẽ tiến hành khảo sát đánh giá đối với 1.192 biệt thự còn lại bằng phương pháp trực quan. Đây là những biệt thự có đông người dân sinh sống, thưa ông?
- Như tôi đã nói, việc phải làm đầu tiên là trong đánh giá khảo sát cần phải có sự phân loại, ngoài ra chúng ta phải vận động để người dân hiểu sống trong biệt thự phải đúng với chức năng xây dựng biệt thự. Không chỉ bảo tồn giá trị phi vật thể mà cần chú trọng bảo tồn cuộc sống tổ chức trong biệt thự đó. Đặc biệt, chú ý đến yếu tố khu vực, kiến trúc cảnh quan khu vực. Lấy nó làm điểm mấu chốt nhưng xung quanh khu vực phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định. Ví dụ một số công trình công cộng khi chúng tôi vào làm như Nhà hát lớn thì đây là công trình có giá trị nên các công trình xung quanh không được cao hơn Nhà hát lớn. Hay một số khu vực khác là điểm chốt thì phải đảm bảo cho nó là những điểm nhấn về kiến trúc.
Hiện nay chúng ta có thể đảm bảo được độ an toàn. Bởi qua thí điểm một số biệt thự thấy rằng có thể nâng cao giá trị đảm bảo an toàn cho biệt thự. Đây là vấn đề các nước trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm. Ví dụ như Ý chẳng hạn, một cái tháp nghiêng nhưng vẫn giữ được, không để nghiêng hơn nữa. Hay biệt thự thì cũng phải đảm bảo độ bền vững của nó. Áp dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình bảo tồn, chỉnh trang thì có thể đảm bảo được an toàn bền vững. Cho nên chúng ta cũng không nên quá lo về độ an toàn vì hiện khoa học công nghệ đã rất phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng theo vì nhiều nước khác đã áp dụng và thành công rồi. Quan trọng là cần quyết tâm làm và có chịu học tập kinh nghiệm của thế giới hay không.
Đối với 1.192 biệt thự còn lại, nơi có nhiều người dân đang sinh sống vậy chúng ta có nên khuyến khích các hộ dân bỏ tiền ra để đánh giá, còn Nhà nước thì tu sửa?
- Ngoài việc vận động nhân dân ra thì Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ. Tôi nói ví dụ, thông thường gỗ dán giá rất đắt. Trong khi nguyên bản của biệt thự phải là gỗ, cửa kính, cửa chớp. Chúng ta phải hỗ trợ thêm tiền cho người dân sử dụng vật liệu gốc chứ không phải thay gỗ bằng inox, hay kim loại. Rồi các hoạ tiết lan can theo phong cách kiến trúc là khác với phong cách hiện nay. Cho nên trong bảo tồn cũng phải tôn trọng nguồn gốc của nó.
Vấn đề bảo tồn biệt thự cũ đã được đưa ra nhiều lần. Lần này có lẽ phải quyết tâm triển khai bằng được, thưa ông?
- Phải quyết tâm và tạo điều kiện thuận lợi, huy động đông đảo lực lượng giới chuyên môn vào cuộc. Bởi không phải lần này mà đã nhiều lần đặt ra rồi, có nhiều nghiên cứu, mỗi nghiên cứu đều có sự khác nhau như Pháp, Nhật Bản, Úc. Trong quá trình làm, các cơ quan của Việt Nam cũng nghiên cứu rất nhiều để đi đến tiếng nói chung. Bây giờ cần tôn trọng và kế thừa, đặc biệt phải có nhận thức đúng đắn ý kiến, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia chuyên ngành. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cải tạo biệt thự phải giữ được hồn cốt, không những chỉ có vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong nữa. Nghĩa là tổ chức cuộc sống của người dân bên trong biệt thự.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cải tạo biệt thự phải giữ được hồn cốt, không những chỉ có vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong nữa. Nghĩa là tổ chức cuộc sống của người dân bên trong biệt thự.