Lựa chọn sách giáo khoa mới: Tôn trọng đề xuất từ các nhà trường
Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 từ năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy trình lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới, trong đó lưu ý tôn trọng ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT.
Hiện Bộ GDĐT đã phê duyệt danh mục gồm 136 SGK sử dụng trong các trường học từ năm học 2023-2024, gồm 44 đầu sách lớp 4; 42 đầu sách lớp 8; 50 đầu sách lớp 11. Căn cứ danh mục này, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng lựa chọn SGK. Hiện tại, các sở GDĐT trên cả nước đang tổ chức giới thiệu SGK tới các nhà trường và hướng dẫn quy trình triển khai lựa chọn nhằm bảo đảm đúng quy định.
Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên học sinh lớp 4, lớp 8, lớp 11 trên cả nước học theo SGK mới của Chương trình GDPT 2018. Tại Hà Nội, tính đến đầu tháng 3/2022, Sở GDĐT Hà Nội và các nhà xuất bản đã tổ chức hội nghị giới thiệu SGK mới lớp 8 và lớp 11 cho hơn 20.000 giáo viên cấp THCS và 14.000 giáo viên cấp THPT. Sau hội nghị cấp thành phố, nhiều phòng GDĐT, các nhà trường tiếp tục tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận về SGK mới trước khi bỏ phiếu kín đề xuất lựa chọn sách. Toàn bộ quy trình tổ chức lựa chọn SGK các cấp được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 25/2020 của Bộ GDĐT quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT.
Theo đó, trong các ngày 11, 12/4 vừa qua, Hội đồng lựa chọn SGK lớp 8, lớp 11 năm học 2023-2024 của TP Hà Nội do lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội làm chủ tịch đã tổ chức họp, bỏ phiếu kín lựa chọn SGK để đưa vào sử dụng ở các nhà trường. Theo đó, thành viên của các hội đồng lựa chọn SGK lớp 8, lớp 11 của TP Hà Nội đã tổ chức thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách do các nhà trường đề xuất. Các hội đồng cũng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK cho mỗi môn học. Trên cơ sở này, các hội đồng sẽ đề xuất UBND thành phố danh mục SGK lớp 8 để đưa vào sử dụng từ năm học 2023-2024.
Trước đó, trong tháng 2/2023 Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã làm việc với UBND thành phố về việc đổi mới chương trình, SGK. Một trong những vấn đề được quan tâm là các giáo viên, các nhà trường có thể hiện được vai trò của mình trong việc lựa chọn bộ sách phù hợp không? Và liệu có những tiêu cực khi chọn sách hay không?
Bà Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mọi giáo viên đều được tiếp cận tất cả các bản SGK. Các cuộc họp chuyên môn công khai đảm bảo mọi ý kiến cá nhân đều được tôn trọng. Đại diện các trường có mặt tại buổi làm việc đều khẳng định không có chuyện ép buộc lựa chọn một bộ sách nào.
Về trách nhiệm của mình, Bộ GDĐT cho biết đã và sẽ tiếp tục thanh tra kỹ các bước lựa chọn SGK để ngăn chặn tiêu cực.
Lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội vẫn đang được thực hiện cho đến năm 2024. Xuất phát từ thực tiễn, việc lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình mới mới đặt ra yêu cầu cần lắng nghe và tôn trọng ý kiến của giáo viên, cơ sở giáo dục phổ thông.