Được mất trào lưu 'sống thử: Bài 1 - Đến xóm trọ xem người trẻ sống thử
'Sống thử' là một hiện tượng không còn lạ với những bạn trẻ hiện nay, họ yêu nhau, dọn về chung sống cùng nhau như vợ chồng, không hợp thì chia tay. Nhiều cặp đôi tự hài lòng với cuộc sống hiện tại, sợ sự ràng buộc và trách nhiệm khi kết hôn. Vậy"sống thử" được và mất thế nào?
Không chỉ các sinh viên xa nhà mà có cả những người trẻ đã ổn định công việc cũng lựa chọn hình thức này để "trải nghiệm tiền hôn nhân". Không khó để gặp những cặp "vợ chồng hờ" như vậy ở các khu nhà trọ Hà Nội.
Những “anh - em” đặc biệt
Không khó gặp những cặp “vợ chồng hờ” ở bất bất kỳ xóm trọ nào ở Hà Nội. Em gái ra Hà Nội làm việc, để tiết kiệm và tiện chăm sóc nhau tôi và em gái ở chung. Ở các khu nhà trọ, chủ nhà, những người ở chung xóm đều mặc nhiên nghĩ chúng tôi đang "sống thử" bởi một trai, một gái ở cùng phòng.
Còn nhớ, lần đầu đến thuê trọ ở một chung cư mini trong ngõ 236 Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), căn nhà chung cư 7 tầng, với hơn 30 phòng trọ khép kín. Trước cổng, chủ nhà dán biển nội quy ghi rõ: “Vợ chồng ở với nhau phải có Giấy đăng ký kết hôn”. Khi tôi chăm chú đọc nội quy, chủ nhà phân bua: “Viết cho có thôi, nếu trai gái phải vợ chồng mới cho trọ thì làm gì có khách thuê”.
- “Không sao bác. Cháu ở với em gái thôi”, tôi giải thích.
- “Ừ, ở với em gái cũng tốt, ở đây mấy chục nhà trọ đều anh em ở với nhau mà”, bác chủ nhà nói xong cười đầy bí hiểm.
Về sau, ở xóm trọ không khó để tôi nhận ra mấy chục phòng trọ ở đây đều là những cặp đôi đang yêu nhau. Ngay sát phòng tôi là phòng trọ của Đức Hoàng (quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng) sinh viên năm cuối ĐH Giao thông Vận tải cùng người yêu tên Mỹ Hằng (ở Nông Cống, Thanh Hoá), sinh viên năm 2 ĐH Công Đoàn Hà Nội).
Đi học về, Hoàng đang mải mê chơi game thì Hằng loay hoay chuẩn bị cơm trưa cho cả hai người. Hoàng nhanh nhảu: “Bọn em chia việc đều hết, bạn gái nấu ăn còn nhiệm vụ của em là dọn dẹp và rửa bát. Chứ không em làm sao ngồi yên chơi khi em ấy vào bếp”.
Bữa trưa của cặp đôi cũng chẳng có gì đặc biệt: bát canh cải, thịt luộc và đậu sốt cà chua. Nhìn họ sống tình cảm, cùng gắp thức ăn cho nhau và bữa cơm đầy ắp tiếng cười. “Cuối tuần về quê anh lại bắt của mẹ con gà lên cải thiện tý vợ nhỉ”, nói xong cả hai cười khúc khích.
Hoàng chia sẻ, các bạn trong nhóm của cậu khi có người yêu họ đều sống thử. “Xa nhà, xa quê cặp đôi nào chẳng thích sống cùng nhau. Có người yêu chăm sóc, chăm bẵm cùng ăn, cùng học, cùng ngủ và kể cả nhu cầu sinh lý, nhưng bất tiện là bị kiểm soát nhau, bởi đã sống như vợ chồng”, Hoàng cho biết.
Hoàng khoe, sống với người yêu cậu ngoan và chăm học hơn. Thời chưa yêu, Hoàng và mấy người bạn suốt ngày thức đêm chơi game, có khi tháng “viêm màng túi” 15 ngày. “Ở cùng bạn gái tiết kiệm được tiền thuê nhà, giảm chi phí ăn uống, không phải làm việc nhà, lại được chăm bẵm nên béo trắng, đẹp trai ra”, Hoàng cười nói.
Sống cùng bạn trai, Hằng tâm sự, trước đó đã suy nghĩ rất nhiều bởi cô rất sợ điều tiếng, áp lực từ gia đình, xã hội. Khi sống cùng nhau hai người đều luôn phải tìm cách đối phó với người thân, bạn bè.
“Ở cùng nhau, nhưng bọn mình không muốn người thân, bạn bè biết. Mỗi khi có người nhà ra Hà Nội, bạn bè muốn đến phòng chơi mình phải kiếm đủ lý do để từ chối như: phòng chật đông người, đang đi về quê, không ở Hà Nội… bất đắc dĩ là một trong hai người phải sang nhà bạn ở tạm mấy hôm”, Hằng nói.
Đến ở “xóm sống thử” này, tôi hiểu rõ hơn điều bác chủ nhà nói: “Ở đây toàn anh em ở với nhau”, bởi theo những cặp đôi trẻ sống thử ở đây để tránh bị dị nghị họ đều bảo là anh em ruột, anh em họ. Và dù sống với nhau chung phòng, các cặp đôi vẫn phải tìm đủ mánh khoé để đối mặt với gia đình, bạn bè.
Dưới tầng Hằng có 4 cặp đôi sinh viên đang sống với nhau. Trong đó, 2 cặp đôi “đặc biệt” là Lê Quân - Thu Nga và Tuấn Hoàng - Hoài Thu. Quân và Hoàng đều là sinh viên năm 4 ĐH Bách Khoa Hà Nội. Quân kể, Hoàng yêu Thu (sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) trước và thuê phòng trọ cho Thu ngay sát cạnh để được gần nhau. Muốn ở cùng bạn gái nhưng sợ điều tiếng nên Hoàng vẫn ở phòng với Quân và góp thêm tiền nhà cho Thu để thu ở một mình. “Lúc đó, 3 đứa vẫn nấu ăn chung nhưng tối Hoàng chủ yếu ở phòng Thu và tối ngủ đó luôn. Bạn có người yêu mình lại thoải mái ở 1 mình, đến bữa ăn thì có người nấu cho nên cũng vui”, Quân kể.
Sau đó, Lê Quân cũng có bạn gái mới là Thu Nga (một sinh viên năm nhất ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), sau khi bàn bạc nhóm bạn trẻ tìm ra “giải pháp mới” để được ở cùng người yêu mà không điều tiếng là: Nga ở ghép phòng với Thu, Hoàng ở với Quân; nhưng thực tế 2 phòng là 2 đôi "vợ chồng" hờ ở với nhau. Chỉ khi có người thân, bạn bè của một trong hai cặp đôi thì họ sẽ về ở phòng của mình. “Chúng mình đều nghĩ đã trưởng thành, lại ở xa quê học tập, nên khi xác định tình cảm đã quyết tâm dọn về ở cùng nhau. Nhưng phải tìm mọi cách để giấu gia đình, bạn bè chứ không lại bảo chưa cưới mà về ở như vợ chồng thế này chắc mình chết với bố mẹ mất”, Nga tâm sự.
Một năm sống thử 4 lần
Minh Tuấn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) là sinh viên năm cuối Trường ĐH KHTN Hà Nội vừa “bén duyên” với Thu Hương (cùng quê vừa lên Hà Nội nhập học). Hương chuyển về sống cùng Tuấn ở khu nhà trọ gần 2 tháng nay. Nhìn cặp đôi trẻ cùng chở nhau đi học, cùng nấu ăn, học tập, tối lại hát cho nhau nghe khiến những người mới đến không khỏi "ngưỡng mộ".
Nhưng theo thông tin từ người láng giềng, từ đầu năm đến nay Hương là người yêu sống thử lần thứ 4 cùng Tuấn. Với vẻ ngoài thư sinh, đẹp trai và gia đình có điều kiện, Tuấn tự tin về sự đào hoa của mình. “Sống thử là chuyện bình thường, hợp thì xác định lâu dài, không thì chia tay mỗi đứa mỗi đường. Mình ở cùng bạn gái đơn giản vì thấy yêu và rất hợp nhau nên muốn ở chung một nhà cho tình cảm, có nhiều thời gian cho nhau. Còn sau này có đến được với nhau hay không lại là chuyện khác và do duyên nữa”, Tuấn chia sẻ.
Theo Tuấn, khi ở xa nhau các cặp đôi thường nhớ nhung và muốn về ở cùng nhau sống như vợ chồng, nhưng thực tế lúc đầu thì ổn, nhưng sau nhiều chuyện nảy sinh. “Dường như khi về sống với nhau, cả hai đều không còn cố gắng để chinh phục nửa kia nữa. Và đời sống riêng tư, bạn bè của nhau bị kiểm soát, thi thoảng lại cãi vã vì mấy chuyện đâu đâu. Còn mặt tích cực, mình hiểu rõ người yêu hơn”, Tuấn nói.
Thi thoảng xóm trọ “sống thử” cũng khá ồn ào bởi những vụ ghen tuông, hay cãi vả của những “vợ chồng hờ”, thậm chí còn đánh nhau toác đầu chảy máu. Có những chuyện tình của cặp đôi này là bài học đau xót cho cặp đôi khác.
Ngọc Hoa (Ba Vì, Hà Nội) sống ở tầng 2 của xóm trọ là cái kết buồn trong sống thử. Hoa sống cùng bạn trai ở khu trọ được hơn 2 năm nay. Tháng 8 vừa qua, vào buổi đêm, khu trọ nghe Hoa khóc nấc lên từng tiếng. Sau đó, người trong xóm trọ phải đưa Hoa đi cấp cứu giữa đêm bởi ngất lịm, tụt huyết áp và bị băng huyết do sẩy thai. Hoa chia sẻ: “Sống cùng người yêu, mình nghĩ đơn giản cứ yêu thôi là đủ. Nhưng khi mình mang thai, giục anh ấy cưới, anh ấy trốn tránh trách nhiệm và bỏ về quê. Gia đình anh ấy cũng phủ nhận cái thai của mình. Sức khoẻ yếu lại bỏ ăn và khóc quá nhiều nên mới phải vào viện như vậy. Bài học cho những bạn nữ yêu mù quáng như mình”, Hoa nói sau tiếng thở dài.
May mắn hơn Hoa, Hồng Lam và Quang Đại (Vĩnh Phúc) vừa kết hôn sau khi tốt nghiệp ĐH KHXH NV Hà Nội. Đôi bạn trẻ tiến đến hôn nhân sau 3 năm sống thử. Giờ vợ chồng Lam vẫn ở nhà trọ cũ để tìm kiếm công việc ở Hà Nội. “Sống thử, chúng mình đã rất hiểu nhau nên tiến đến hôn nhân. Để nói sống thử được hay mất, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ. Tình yêu cũng vậy, người trong cuộc mới cảm nhận được”, Lam tâm sự.