Tỷ lệ trẻ đuối nước còn cao
Mặc dù được cảnh báo, nhưng hàng năm vẫn có nhiều trường hợp đuối nước thương tâm. Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Lê Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa lý giải, đây là tình trạng hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò. Trong khi đó, đuối nước ở trẻ nhỏ thường do tính thích nghịch nước, hoặc sự bất cẩn của gia đình.
Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây tai nạn đuối nước cho trẻ em, như: Bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước, hố nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.
Theo ông Cường, có nhiều trường hợp bơi giỏi vẫn đuối nước, trước hết vì tâm lý chủ quan, nghĩ rằng mình bơi giỏi nên bơi ra xa, đến chỗ nước sâu khi tắm biển, sông. Bơi khi cơ thể đang mệt mỏi hoặc sau khi uống rượu bia. Một lý do nữa là vì thiếu kiến thức về xử lý các tình huống khi gặp sự cố bất ngờ xảy ra khi đang bơi như: Chuột rút, gặp vùng nước xoáy, kỹ năng cứu đuối khi gặp người đuối nước…
“Bộ GDĐT và các địa phương cần thực hiện tốt chương trình chăm sóc sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, các nhà trường cần cải thiện cơ sở vật chất để học sinh có không gian rèn luyện sức khỏe. Chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước" - ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép giáo dục cách sơ cứu, xử lý tình huống khi gặp đuối nước cũng như những tai nạn khác vào chương trình học của trẻ là rất cần thiết. Xem xét đưa môn bơi nên là chương trình bắt buộc trong các nhà trường.
Ông Cường khuyến cáo, trẻ em không bơi, chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn giám sát. Đảm bảo những nguyên tắc an toàn khi bơi như không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn. Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy, không có người lớn biết bơi và cứu đuối. Tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm. Khởi động trước khi xuống nước.
Với người lớn, không bơi ở vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Nên đi chung với những người bơi giỏi và mang theo phao khi bơi và đi tàu thuyền. Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước. Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: Có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định...
Cũng theo ông Cường, khi phát hiện người đuối nước, cần nhanh chóng thực hiện sơ cấp cứu nạn nhân. Ngoài ra, cần cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cho nạn nhân bằng quần áo, chăn khô. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi họ có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu. Bởi, nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt nam hiện cao nhất Đông Nam Á. Đồng thời, cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp đuối nước xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.