Chỉnh trang đô thị từ việc cụ thể

LÊ ANH 14/04/2023 07:14

Thiếu trầm trọng nhà vệ sinh công cộng (VSCC) tại các công viên, khu công cộng hoặc nhà VSCC bị xuống cấp, chậm duy tu, sửa chữa đã được người dân nhiều quận trung tâm TPHCM phản ánh nhiều năm qua.

Một nhà vệ sinh công cộng tại giao lộ Lê Quý Đôn - Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TPHCM).

Vừa thiếu, vừa lạc hậu

Anh Trương Văn Quân (38 tuổi, quê Ninh Bình) đặt tour du lịch theo đoàn với lịch trình Hà Nội - Nha Trang - Đà Lạt - TPHCM 4 ngày 3 đêm. Nói về trải nghiệm tại điểm đến TPHCM, anh chia sẻ, “điểm trừ” lớn nhất khi đến du lịch tại đô thị này là tình trạng kẹt xe ở trung tâm, thiếu phương tiện công cộng kết nối về các tỉnh lân cận và nhất là các khu vực công viên, trạm xe buýt không có nhà VSCC cố định hoặc lưu động. Điều này dẫn đến bất tiện cho không chỉ du khách trong nước mà nhất là du khách quốc tế khi đến thành phố.

Ông Phạm Huy Chương - tài xế xe công nghệ (grab bike) thường xuyên đưa đón khách tại điểm công viên 30 Tháng 4 (quận 1, TPHCM) cho biết, dù là khu vực công viên công cộng lớn ngay trung tâm thành phố nhưng hiện tại cũng chưa lắp đặt được nhà VSCC để phục vụ cho người dân và du khách. “Nhiều lần, hành khách hỏi thăm, tôi đều phải hướng dẫn cho họ di chuyển vào khu vực đường sách trên đường Nguyễn Văn Bình. Không chỉ du khách lần đầu đến du lịch TPHCM mà ngay chính người dân thành phố cũng rất khó khăn để tìm được nhà VSCC ở khu vực này” - ông Chương nói.

Trước đó, báo cáo với lãnh đạo thành phố, ông Lê Đức Thanh - Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, trên địa bàn có khoảng 18 khu VSCC đang hoạt động, được đặt tại các khu vực chợ, công viên, trạm xe buýt và khu dân cư.

Theo ông Thanh, việc xây dựng mới nhà VSCC của quận này đang gặp khó khăn do thiếu quỹ đất công cộng. Từ năm 2017 cho đến nay, 10 phường trên địa bàn đã vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư, xã hội hóa để xây nhà VSCC. Thế nhưng, quận vẫn nhận thường xuyên các phản ánh về tình trạng ý thức người sử dụng dịch vụ nhà VSCC chưa cao, trong khi có tình trạng nhiều người tận dụng nhà VSCC làm nơi tắm giặt hoặc tình trạng lấy cắp vật dụng, mất an ninh trật tự,...

Không chỉ riêng quận 1, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 255 nhà VSCC. Ngoài quận 1 thì quận 5 là quận trung tâm lắp đặt đến 38 nhà VSCC, kế đến là các quận Phú Nhuận, quận 3 (từ 10-18 nhà vệ sinh), còn lại là khu vực các huyện chỉ có khoảng 2 nhà vệ sinh mỗi địa phương. Tuy nhiên, qua rà soát Sở cũng cho biết, ngoài thiếu nhà VSCC, tại các khu vực trung tâm thì các hạ tầng cũ cũng đang xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo được yêu cầu vệ sinh môi trường.

Tháo gỡ vướng mắc

Nhà VSCC không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu đối với hoạt động du lịch và nhu cầu của người dân tại các khu vực công cộng, khu vui chơi giải trí, các khu vực chợ truyền thống, ga tàu, bến xe, mà còn chính là vấn đề cần phải ưu tiên chỉnh trang của một đô thị hiện đại.

Liên quan đến vấn đề này, bà Tô Thị Bích Châu - Bí thư Quận ủy quận 1 cho biết, đã đề nghị UBND thành phố xem xét ưu tiên đầu tư nhà vệ sinh công cộng tại 5 khu đất trống trên địa bàn. Về phía quận cũng đang chỉ đạo tập trung các giải pháp gồm vận động các hộ kinh doanh hỗ trợ và đầu tư xây dựng mới tại các vị trí đã được khảo sát, có số lượng du khách và người dân sinh hoạt vui chơi giải trí tập trung đông người. Bởi vì, đây là nhu cầu bức thiết của người dân và du khách, đồng thời quận 1 cũng mong muốn thành phố chấp thuận chủ trương để hỗ trợ triển khai ngay.

Được biết, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã giao Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong nghiên cứu, đề xuất mẫu thiết kế, phương án nguồn lực tài chính, cách thức vận hành, quản lý để xây dựng nhà VSCC khu vực trung tâm theo hướng hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được giao phối hợp cùng các sở, ngành liên quan rà soát hệ thống nhà VSCC để đề xuất ngay giải pháp tháo gỡ, duy tu sửa chữa hoặc quy hoạch xây mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của một đô thị hiện đại.

Đối với đề xuất về xây nhà vệ sinh công cộng trên đất thuộc hành lang đường bộ, ông Đặng Phú Thành - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện nay khó khăn nhất của đề xuất này vẫn là vướng vào quy định yêu cầu phải được cấp phép xây dựng phù hợp quy hoạch. Do đó, trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TPHCM đã đề xuất cho cấp phép tạm với công trình không phù hợp quy hoạch.

LÊ ANH