Mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản

K.Lê 14/04/2023 07:14

Hết quý I/2023, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực giảm từ 8 - 39%. Tuy nhiên xuất khẩu thủy sản vẫn có những tín hiệu tích cực khi hàng sang Anh, Nhật Bản, Đức, Israel tăng cao.

Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn.

Xuất khẩu cá ngừ nhiều triển vọng

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022. Trong tháng 3, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm 8-39%; trong đó, xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất với 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%.

Theo VASEP xuất khẩu cá ngừ giảm do lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Họ tập trung các sản phẩm có giá rẻ. Ngoài ra, Việt Nam chưa gỡ được thẻ vàng IUU là những trở ngại cho ngành cá ngừ. Tuy nhiên xuất khẩu vẫn có những tín hiệu tích cực khi lượng hàng xuất sang Anh, Nhật Bản, Đức, Israel tăng cao. Đặc biệt, trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ sang Anh đã tăng hơn 13 lần, đạt 971.000 USD. Lũy kế 2 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 1,3 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022.

Chuyên gia thị trường cá ngừ Nguyễn Hà cho biết, tại thị trường Anh, với lợi thế về nguồn cung cá ngừ nguyên liệu có xuất xứ thuần túy, các nhà xuất khẩu cá ngừ của Ecuador và Mauritius đang chiếm lĩnh thị trường. Các sản phẩm của Việt Nam vẫn khó lòng cạnh tranh được với các nước này. Tuy nhiên, với lợi thế từ thuế quan ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do UKVFTA, các nhà nhập khẩu Anh đang tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), Anh hiện đang là 1 trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn trên thế giới. Anh nhập khẩu cá ngừ từ hơn 45 nước trên thế giới, trong đó Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13, chiếm 1% tổng nhập khẩu cá ngừ của nước này. Năm 2022, mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh vẫn tăng gần 10% về giá trị, nhưng nguyên nhân là do giá trung bình xuất khẩu sang thị trường này tăng.

Ngoài Anh, xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan, Đức và Israel 2 tháng đầu năm cũng lần lượt tăng trưởng 32-99%. Đây cũng là các quốc gia nằm trong top 5 về xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.

Chủ động nắm bắt thị trường

Thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị, diễn đàn kết nối giao thương với một số thị trường.Tuy nhiên đứng trước bối cảnh thị trường khó khăn, doanh nghiệp (DN) rất trông chờ các cơ quan quản lý tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho DN để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và DN chế biến thủy sản.

Nhận định về xu hướng thị trường trong thời gian tới, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP cho rằng, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản giảm, giá nhập khẩu cũng giảm theo. Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam. Về thị trường, theo bà Hằng, Trung Quốc sẽ vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.

Tương tự, xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước. Từ thực tế biến động thị trường, các DN cũng cần chủ động hơn trong việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là thuế xuất nhập khẩu.

Thực tế thị trường mở rộng cửa cùng với các ưu đãi thuế quan từ hiệp định thương mại tự do CPTPP mang lại cơ hội gia tăng xuất khẩu thủy sản sang Australia trong thời gian qua. Tăng đột biến và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm xuất khẩu sang Australia sau 4 năm là tôm chân trắng. Năm 2022, xuất khẩu sản phẩm này sang Australia đạt 259,5 triệu USD, tăng 171% so với 112 triệu USD năm 2018, trước khi hiệp định CPTPP có hiệu lực. Doanh thu từ tôm đã chiếm 71% giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022, so với năm 2018 con số này là 49%. Ngoài ra, Australia cũng nhập khẩu một lượng đáng kể các sản phẩm hải sản khác của Việt Nam và có doanh số tăng mạnh trong những năm qua. Chẳng hạn, cá trích tăng 158% sau 5 năm, cá ngừ tăng 81%, cá đục tăng 143%, cá chai tăng 255%, nghêu tăng 68%, nước mắm tăng 190%. Dù bị ảnh hưởng lạm phát xuất khẩu thủy sản sang Australia giảm trong quý 1 song theo dự báo thương mại thủy sản với Australia dự báo sẽ hồi phục dần trong nửa cuối năm 2023 này.

Đại diện Tổng cục Thủy sản nhận định, năm 2023, dù được dự báo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành thủy sản vẫn đặt mục tiêu duy trì về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên để vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu đề ra cần có sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong việc nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh tại các thị trường. Thực tế dù có nhiều khó khăn song ngành thủy sản cũng có nhiều tín hiệu lạc quan từ một số thị trường. Để nắm bắt được cơ hội này, các DN thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.

K.Lê