Cần chiến lược đầu tư công cho người lao động
Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, khi trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Xu hướng của thị trường lao động hiện nay và những khó khăn mà người lao động đang đối diện là gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Tự động hóa gia tăng ở doanh nghiệp (DN) nên những người bước vào tuổi trung niên thì cơ hội trở lại thị trường khó khăn hơn. Lúc đó xét tiêu chí năng suất không đạt như kỳ vọng. Nghiên cứu của Viện cũng cho thấy, trước dịch Covid-19 DN đã có nhiều thay đổi buộc người lao động (NLĐ) phải đáp ứng. Trong đó, hình thức trả lương của DN cũng thay đối, nghĩa là DN trả lương theo sản phẩm. Gần đây, đơn hàng của DN sụt giảm mạnh, DN đối diện với nhiều khó khăn nên xảy ra tình trạng các nhà sản xuất giãn việc, giảm nhân sự.
Trước tình trạng trên, thu nhập công nhân bấp bênh, thậm chí nhiều người mất việc, thu nhập. Khó khăn kéo dài, lao động trẻ tuổi có khuynh hướng về quê tìm việc, vì vừa gần nhà, vừa giảm áp lực do các nhà máy dịch chuyển về tỉnh cũng nhiều. Số lao động lớn tuổi hơn, sau thời gian dài làm việc và có tích lũy cũng trở về quê để buôn bán nhỏ, làm nông nghiệp… Đây cũng chính là lý do tại sao gần đây lao động tìm đến các tỉnh/thành lớn như TPHCM không nhiều. Theo khảo sát, trước đây có 2 nhóm lao động di cư rất cao vào TPHCM là nhóm khu vực Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Từ sau đại dịch, nhóm lao động khu vực Bắc Trung bộ chuyển dịch ít hơn so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông, giải pháp để tăng giá trị, tăng tính bền vững cho thị trường lao động hiện nay là gì?
- Khu vực phía Nam đang phát triển thành những khu công nghiệp cao, giá trị cao. Tuy nhiên, làm được điều này hay không đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng tương ứng. Thế nhưng, nghịch lý là sau bao năm đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa cao. Khi NLĐ tạo ra được những giá trị năng suất cao mới có những cơ hội tăng thu nhập. Còn hiện nay, NLĐ phải làm rất nhiều mới có thu nhập tương đối. Nhiều công nhân cho biết, có DN “mua” luôn ngày nghỉ của công nhân. Thiết nghĩ, cần có chiến lược tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giải pháp thứ hai, DN cần quan tâm đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tức là có ý thức trách nhiệm xã hội, NLĐ, môi trường nhằm tạo giá trị bền vững, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Vậy, cần chính sách hay các gói đầu tư cụ thể cho người lao động hay không, thưa ông?
- Chúng ta vẫn còn nhiều ưu điểm để phát triển. Giai đoạn này phải chủ động cho khủng hoảng, nếu chủ động được không phải giải quyết hậu quả. Chi phí giải quyết hậu quả khác với chi phí đầu tư cho chiến lược chuyển đổi. Trong lúc mọi thứ đều khó khăn và giậm chân tại chỗ, chúng ta có những gói đầu tư công cho hạ tầng thì cũng nên nhìn nhận NLĐ như một chiến lược đầu tư công. Những quốc gia khác họ không hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ mà hỗ trợ trực tiếp cho DN. DN tạo của cải vật chất mới thuê NLĐ. Giải pháp an sinh xã hội tốt nhất vẫn là thông qua tạo công ăn việc làm chứ không phải để họ ngồi chờ nhận tiền trợ cấp.
Trân trọng cảm ơn ông!