'Vá' lỗ hổng bản quyền
Sau 10 năm thực thi, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (Nghị định 131) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã tạo ra môi trường sáng tạo, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, việc thực thi Nghị định hiện vẫn còn những tồn tại, bất cập. Trong đó mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Nhiều vi phạm
Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), sau 10 năm thi hành Nghị định 131, và 23 năm kể từ khi ban hành điều khoản xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã tham gia một loạt các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong quá trình triển khai Nghị định, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tiến hành 534 cuộc thanh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan kết hợp với các lĩnh vực văn hoá theo thẩm quyền như điện ảnh, nghệ thuật, biểu diễn (cuộc thi người đẹp), nhiếp ảnh… xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 131 là 12,8 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố vào mục đích thương mại trong nhà hàng, cửa hàng siêu thị, cơ sở kinh doanh karaoke mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định…
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý. Hiện nay, các cá nhân, tổ chức cung cấp xuyên biên giới, sử dụng tên miền quốc tế, dùng máy chủ ở nước ngoài… nên việc kiểm soát là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, ngay chính chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cung cấp chưa đầy đủ, chưa kịp thời, bên vi phạm không đến, tìm lý do trì hoãn, kéo dài thời gian, không đủ căn cứ, chứng cứ để xử lý theo quy định.
Dẫn chứng trong lĩnh vực âm nhạc, bà Nguyễn Thị Lựu, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, những năm gần đây, số vụ việc vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn bị trung tâm phát hiện lên tới hàng trăm. Nêu nguyên nhân của thực trạng này, bà Lựu cho rằng, một số quy định pháp luật hiện nay có những điểm chưa phù hợp trong việc bảo vệ quyền tác giả... Bà Lựu dẫn chứng, trong điểm a, khoản 1, điều 13 Nghị định 131 quy định xử phạt hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định với mức phạt với cá nhân là từ 5-10 triệu đồng, với tổ chức là 10-20 triệu đồng. Đây là mức phạt quá thấp so với quy mô và doanh thu các chương trình biểu diễn hiện nay (từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng) và cũng nhỏ hơn so với giá trị tiền nhuận bút mà các đơn vị né tránh, không trả cho tác giả, lâu dần sẽ dẫn đến tâm lý coi thường nghĩa vụ luật định, công khai xâm phạm quyền tác giả để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. “Cần tăng mức xử phạt cao hơn nhiều lần mức phạt hiện tại, đồng thời có thêm các hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả để ngăn chặn tái phạm” - bà Lựu đề xuất.
Cần chế tài xử phạt nghiêm
Thực tế cho thấy, việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong những năm qua diễn ra rất phổ biến, thậm chí nhiều vụ việc gây mâu thuẫn kéo dài. Đơn cử như việc tranh chấp chủ tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong lĩnh vực mỹ thuật thì nạn tranh giả, tranh nhái tràn lan. Hoặc nhiều vụ kiện về bản quyền như “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Thần đồng Đất Việt”… khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên vì sự lắt léo trong các vụ vi phạm tác quyền. Mỗi ngày trên môi trường số diễn ra rất nhiều hành vi download, coppy… những bản nhạc, những đoạn tản văn, sử dụng tranh, ảnh… mà không cần xin phép. Thói quen thích “xài của chùa” đã khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền trở nên khá phổ biến ở nước ta. Nhiều tác giả bất lực khi phát hiện ra tác phẩm của mình bị sử dụng mà không có bất cứ sự cho phép nào từ phía chủ sở hữu. Trớ trêu hơn đó là trường hợp của nhạc sĩ Giáng Son bị báo cáo vi phạm bản quyền trên môi trường số khi đăng tải chính tác phẩm của mình...
Nhằm trả lại môi trường trong sạch cho sáng tạo văn hoá, nghệ thuật, nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hoá mới đây đã kiến nghị về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 131. Trong đó, cần nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu đề xuất, cần bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc xin lỗi tác giả, người biểu diễn” đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, quyền nhân thân của người biểu diễn; Buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền tài sản của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng.
Đồng quan điểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện TS Vũ Dương Thuý Ngà cho biết, ở một số nước trên thế giới, vấn đề về bản quyền được đưa vào hệ thống trường học từ cấp tiểu học trở lên. Còn ở nước ta, để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền cần thực hiện 4 giải pháp: hoàn thiện về thể chế, hệ thống pháp luật, có cơ chế giám sát hữu hiệu và thực hiện công tác tuyên truyền rộng rãi tới công chúng. TS Ngà cũng cho rằng, sự chủ động của chính các tác giả cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. “Các tác giả có thể bảo vệ bản quyền của mình, quản lý quyền sở hữu tài sản trí tuệ của mình bằng cách đăng ký bảo hộ bản quyền sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm bản quyền”.
Nhằm trả lại môi trường trong sạch cho sáng tạo văn hoá, nghệ thuật, nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hoá mới đây đã kiến nghị về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 131. Trong đó, cần nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.