Hòa Bình: Bến thủy hoạt động không phép trên dòng sông Bôi
Nhiều năm nay, các bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu, dăm gỗ của người dân được xây dựng trên dòng sông Bôi thuộc địa phận huyện Lạc Thủy hoạt động dù chưa được cấp phép. Thậm chí, quá trình hoạt động còn gây ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang đê điều mà không hề được xử lí dứt điểm.
Báo Đại Đoàn Kết nhận được phản ánh về việc nhiều bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu tự phát của người dân được xây dựng và hoạt động trái phép trên dòng sông Bôi, đoạn qua xã Yên Bồng, xã Khoan Dụ, thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã nhiều năm mà chưa hề được xử lí dứt điểm.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, dọc theo tuyến sông Bôi bắt đầu từ thôn Liên Hồng 2 (xã Khoan Dụ) xuôi về thôn Hồng Phong, thôn Mạnh Tiến (xã Yên Bồng) có rất nhiều bãi tập kết than, dăm gỗ, máy móc, băng chuyền, nhà điều hành… được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp, giáp bờ sông bôi, nằm cạnh tỉnh lộ 438.
Bà B.T.V. (thôn Liên Hồng 2, xã Khoan Dụ) chia sẻ, bến thủy có bãi gỗ dăm keo này hoạt động đã mấy năm nay, hàng ngày có nhiều xe tải, tàu lớn đến lấy dăm gỗ rất tấp nập, đây là bến của Công ty Phú Hưng, còn các bãi than kia là của các hộ gia đình trong thôn dựng lên.
“Thời gian trước, khi chế biến dăm gỗ, những vỏ cây được bóc ra được Công ty Phú Hưng này đổ lên phía mặt đê trông rất bẩn thỉu, nhếch nhác, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới các hộ dân xung quanh. Chưa kể gỗ được đem về để chế biến bị Công ty tập kết ngay sát mặt đường, chất cao như núi, rất mất an toàn giao thông. Gần đây thấy công ty không hoạt động mạnh như trước nữa, thi thoảng vẫn có thấy vài xe tải đến lấy hàng” – bà V. thông tin.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Đinh Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Khoan Dụ xác nhận tình trạng trên và cho biết, trên địa bàn xã có 2 bến thủy đang hoạt động, trong đó có bến thủy của công ty Phú Hưng Lạc Thủy, các bến thủy này đều xây dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang đê.
Theo ông Tiến, hiện 2 bến thủy này mới chỉ đang nằm trong quy hoạch chứ chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Còn các bãi tập kết than là của người dân tự dựng lên, xã đã thông báo, nhắc nhở nhiều lần về việc tháo dỡ nhưng hiện tại vẫn chưa thể xử lí dứt điểm.
“Xã đã nhiều lần phối hợp cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Công ty Phú Hưng Lạc Thủy tháo dỡ các công trình sai phạm này. Tuy nhiên, khi có đoàn kiểm tra, người đứng đầu công ty toàn vắng mặt, người quản lí điều hành thì không xuất trình được các giấy tờ pháp lý dẫn đến việc kéo dài, chưa thể giải quyết dứt điểm” – ông Tiến thông tin.
Theo UBND xã Khoan Dụ, ngày 17/2/2020, UBND xã Khoan Dụ đã có báo cáo số 11/BC-UBND gửi UBND huyện Lạc Thủy về việc chấp hành pháp luật đất đai của một số doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Trong đó có nội dung, Công ty Phú Hưng Lạc Thủy hiện đang sử dụng đất tại khu vực Đồng Bông (thôn Liên Hồng 2) với diện tích 3.500 m2. Nguồn gốc đất này là đất trồng cây hằng năm khác mà công ty thuê lại của người dân. Trong quá trình sử dụng, Công ty Phú Hưng Lạc Thủy đã không sử dụng đất đúng mục đích mà tự ý san nền, đổ bê tông để làm bãi chứa dăm gỗ, xây dựng trạm cân, nhà điều hành, dây chuyền băng tải phục vụ cho việc băm dăm gỗ và vận chuyển đi.
Tại các biên bản làm việc của UBND xã Khoan Dụ với Công ty Phú Hưng Lạc Thủy ngày 26/3/2020, ngày 13/4/2020 và gần đây nhất là ngày 22/2/2023, đại diện Công ty Phú Hưng Lạc thủy cũng thừa nhận những vi phạm và không đưa ra được những hồ sơ, giấy tờ có liên quan pháp lý đến việc cấp phép bến thủy nội địa, hoạt động băm răm gỗ. Phía công ty cam kết sẽ chấp hành đầy đủ và đúng quy định, tháo dỡ những công trình vi phạm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện tại các bãi tập kết vật liệu của người dân vẫn hoạt động, xây dựng hoàn thiện các công trình, cơi nới ra phía sông Bôi, vi phạm hành lang đê điều.
Tương tự, liên quan đến các bến thủy xây dựng và hoạt động trái phép, ông Quách Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng cũng thừa nhận trên địa bàn xã có một số bến thủy hoạt động đã nhiều năm nay, một số bến đã được cấp phép như bến thủy Lạc Sơn, bến thủy gỗ Tây Nam (thuộc thôn Hồng Phong). còn bến thủy Mạnh Tiến (thuộc thôn Mạnh Tiến) hiện chưa được cấp phép, mới chỉ đang nằm trong quy hoạch bến thủy nội địa của huyện.
Được biết, ngày 12/7/2019, UBND huyện Lạc Thủy đã có văn bản số 626 gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình về việc đề xuất bổ sung cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Lạc Thủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của người dân, đảm bảo ổn định, bền vững, thúc đẩy phát triển KT – XH tại địa phương.
Các cụm bến được bổ sung quy hoạch bến thủy nội địa bao gồm: Cụm bến Mạnh Tiến, cụm bến Hồng Phong và bến Đồi Chùa (xã Yên Bồng); cụm bến Liên Hồng và bến Đồng Bông (xã Khoan Dụ); cụm bến Cáy (xã Liên Hòa); và bến Nhà máy in tiền (xã Cố Nghĩa). Tuy nhiên đến nay các bến thủy này vẫn chưa được cấp phép.