Thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật: Phải mạnh tay xử phạt
Để giúp độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về thực phẩm chức năng, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng.
PV: Sự bùng nổ của các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm hỗ trợ đã liên tục trong nhiều năm qua, vậy thực tế, thực phẩm chức năng là gì? Công dụng của nó ra sao và nó có mặt tốt cùng mặt không tốt thế nào, thưa ông?
Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng: Thực phẩm chức năng, trước hết nó là thực phẩm, và có thể được thêm các thành phần khác để có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Thực phẩm chức năng có nhiều mặt tốt như bổ sung nhanh chóng chất dinh dưỡng và các chất có tác dụng chức năng mà cơ thể không được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, các nhà sản xuất và phân phối thường quảng cáo quá mức, sai sự thật.
Ở góc độ người tiêu dùng, do quá tin vào thực phẩm chức năng, nhiều người lại bỏ qua những nguồn cung cấp dinh dưỡng thường ngày, bỏ qua chế độ luyện tập thể dục thể thao dẫn đến thiếu hụt một số chất dinh dưỡng. Nguy hiểm hơn, một số người còn bỏ cả đơn thuốc của bác sĩ điều trị để chuyển sang dùng thực phẩm chức năng, khiến tình trạng bệnh tật trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy không được coi là thuốc, nhưng thực phẩm chức năng cũng có khả năng gây các phản ứng dị ứng cho người dùng từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Việc sử dụng quá nhiều thực phẩm chức năng cũng không tốt, chưa kể còn gây tốn kém tiền bạc.
Ông có nhận định gì về sự bùng nổ quảng cáo thực phẩm chức năng, trong đó có không ít những quảng cáo “nổ”?
- Sự bùng nổ về các quảng cáo thực phẩm chức năng, với những lời cam kết như không khỏi bệnh thì trả lại tiền, hay chỉ dùng trong vài tuần có hiệu quả rõ rệt... là vấn đề chung ở nhiều quốc gia, không chỉ Việt Nam. Điều này xuất phát từ tâm lý muốn bán được càng nhiều hàng càng tốt, bất chấp đạo đức hay khoa học. Điều quan trọng là chúng ta phải có các quy định, chế tài đủ mạnh để tuýt còi những trường hợp cố tình làm sai. Thực tế thì các quy định về việc đặt tên nhãn, các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện nay khá chi tiết và chặt chẽ. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đều cố tình làm sai để hòng kiếm về nhiều lợi nhuận, và việc xử lý nhìn chung chưa mang tính răn đe.
Theo ông, cần thực hiện những biện pháp gì để có thể hạn chế tình trạng doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng sai công dụng, thậm chí quảng cáo như thuốc chữa bệnh?
- Theo tôi, cần truyền thông mạnh hơn nữa để người dân hiểu rằng, thực phẩm chức năng không thể thay được thuốc, dù đây vẫn là câu bắt buộc phải có trong mọi quảng cáo về thực phẩm chức năng.
Phải có các biện pháp để hạn chế tình trạng chi hoa hồng quá lớn cho các nhà thuốc, và trong đó có phần của các bác sĩ kê đơn, thường lên tới 40-50% thậm chí lớn hơn. Với mức hoa hồng cao như vậy, người bán thuốc, thậm chí cả các bác sĩ có thể nhắm mắt vì lợi nhuận để tư vấn cho người dân những sản phẩm không thật sự cần thiết. Dù đã có quy định rất rõ là không được kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc, nhưng thực tế, tình trạng vi phạm là khá phổ biến.
Đồng thời, cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý. Tôi biết có những doanh nghiệp, không ai có chuyên môn y dược, cóp nhặt vài bài thuốc dân gian, sau đó thuê một đơn vị sản xuất đúng chuẩn GMP gia công toàn bộ, thuê luôn cả việc xin giấy phép lưu hành. Sau đó họ quảng cáo với những lời ca ngợi trên trời, trả hoa hồng rất cao, rồi có khi vài năm sau giải tán công ty, biến mất khỏi thị trường.
Việc xử lý các nhãn hàng, các nhà sản xuất vi phạm về quảng cáo, về thành phần hay chất lượng sản phẩm, cần mạnh tay hơn nữa, tránh việc một số doanh nghiệp thiếu đạo đức làm ảnh hưởng tới cả thị trường thực phẩm chức năng.
Trân trọng cảm ơn ông!