Doanh nghiệp châu Âu hài lòng với môi trường kinh doanh của Việt Nam
Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam). Theo đó, cộng đồng DN và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam.
Dựa trên phản hồi từ những người tham gia khảo sát, việc đơn giản hóa quy định, các biện pháp phát triển bền vững, khuyến khích đầu tư và các chương trình phát triển lực lượng lao động, kết quả khảo sát của EuroCham Việt Nam nêu rõ, cộng đồng DN và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam. Phần lớn số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng. Đây là những phản hồi tích cực, là minh chứng rõ nét cho cam kết bền vững của chính phủ đối với việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện.
Báo cáo cho biết, đối với các DN châu Âu, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài (FDI). 36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong top 3 hoặc trong top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù vậy, các DN nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang khá chật vật với các vấn đề như quy định thiếu minh bạch, hành chính chưa hiệu quả, khó khăn khi xin thị thực và giấy phép lao động. Một rào cản khác mà lĩnh vực sản xuất phải đối mặt là thủ tục hải quan phức tạp, trong khi các công ty dịch vụ chịu thách thức lớn về thị thực và giấy phép lao động. Hơn thế, nhiều ngành công nghiệp, như giao thông vận tải, dược phẩm và năng lượng tái tạo, cũng gặp cản trở do luật chống tham nhũng chưa hoàn thiện.
Theo Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, từ trước đến nay, Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng và quyết đoán trong thời kỳ khủng hoảng. Do đó, Gabor Fluit bày tỏ, mong đợi các biện pháp hiệu quả hơn trong nửa cuối năm nay. Những cải cách sắp tới đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng. “Chúng tôi rất mong đợi có thêm thông tin về những thay đổi được đề xuất này. Tính thanh khoản cũng đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây, và chúng tôi tin rằng dấu hiệu rõ ràng từ Chính phủ về việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ thúc đẩy tinh thần cộng đồng DN" - Chủ tịch EuroCham nói.
Để cải thiện năng lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, các DN châu Âu đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục giảm bớt khó khăn về thủ tục hành chính, cũng như giảm khó khăn trong việc cấp thị thực cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Theo đánh giá chung của nhiều DN châu Âu, cơ hội, triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá tiếp tục vượt xa nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều đó thể hiện ở, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu, cũng như trên toàn thế giới chảy vào Việt Nam vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất, công nghiệp xanh của Việt Nam. Với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài này, cùng với nền tảng kinh tế vững chắc và cam kết phát triển bền vững, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới.