Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Nguồn lực phát triển đất nước
Sáng 15/4, Diễn đàn văn hóa với chủ đề "Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đã diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Diễn đàn được Ban quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đến dự Diễn đàn. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện cộng đồng các dân tộc tham gia Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, được xây dựng và phát triển bởi 54 dân tộc. Mỗi dân tộc có văn hoá truyền thống, ngôn ngữ riêng; có nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời. Cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cùng đồng lòng tạo nên lịch sử dụng nước và giữ nước hàng ngàn năm nên các dân tộc Việt Nam có sự gắn kết cộng sinh, cộng mệnh rất chặt chẽ.
Chính điều này đã góp phần tạo nên nền văn hoá Việt Nam mang tính thống nhất trong đa dạng. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển văn hóa nước nhà, là yếu tố làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn, thuyết của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc dân tộc trên trường quốc tế. Trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển, các dân tộc Việt Nam đã sáng tạo nên một kho tàng di sản văn hoá hết sức đồ sộ, phong phú và độc đáo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hoá trong chính trị và phát triển văn hoá trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hoá, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, chúng ta đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa thể hiện sức sáng tạo khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộc nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa và nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc để phát triển và hội nhập quốc tế theo hướng bền vững là hết sức quan trọng.
“Diễn đàn hôm nay chính là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đồng bào các dân tộc đến từ các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam gặp nhau, trao đổi, trình bày các quan điểm, sáng kiến nhằm làm rõ vấn đề xây dựng, huy động và phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm phát triển đất nước hướng tới mục tiêu phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cho ý kiến, tập trung vào một số nội dung như sự đa dạng của văn hóa dân tộc và một số vấn đề đặt ra hiện nay; Phát huy nguồn lực văn hoá các dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước, một số nhận thức căn bản; Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong bối cảnh phát triển hiện nay…
Bên cạnh đó, các đại biểu đề cập đến những vấn đề cấp bách trong việc bảo tồn, giữ gìn những bản sắc văn hóa dân tộc trước những nguy cơ bị biến mất; Mượn du lịch để bảo tồn văn hóa các dân tộc và coi văn hóa các dân tộc…
Các ý kiến, tham luận tại hội thảo đã nêu bật những nét đẹp của văn hóa dân tộc, tầm quan trọng văn hóa dân tộc trong sự phát triển của đất nước.
GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Kinh nghiệm của các cộng đồng quốc gia đa dân tộc trong khu vực và trên thế giới cho phép khẳng định rằng, nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu vừa mang lại những thời cơ và giao lưu kinh tế - xã hội tích cực, vừa tạo nên những nguy cơ lớn đối với văn hóa các dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, Hiện nay, vấn đề phát huy nguồn lực văn hoá các dân tộc thiểu số đã ngày càng được chú ý đúng mức hơn, nội dung này được đề cập, được tích hợp, được nhấn mạnh trong nhiều chính sách, nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, gần đây Quốc hội đã ra Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến thiết thực gợi mở, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những sáng kiến, giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.