Ký ức thì gói bằng gì?

NGUYỄN VĂN HỌC 16/04/2023 08:21

Miền ngoại thành đang mời gọi những chuyến phiêu diêu khiến bước chân rộn ràng. Cũng bởi mùa hoa xoan quê kiểng đã phả vào không gian sự huyền hoặc của sắc tím. Một thứ màu sắc dân dã rất gợi, thân thương nhưng luôn nhắc chúng ta về nơi mình được sinh ra. Hoa xoan tim tím là thứ mà ở trung tâm Hà Nội không có. Dường như, loài cây ấy phải đứng ở ngõ quê, đường đồng, chân đê mới hợp và tạo nên bức tranh hài hòa. Loài cây ấy phải lòa xòa trong màn khói bếp, với eo óc tiếng gà, chứ chẳng hợp nơi phồn hoa tấp nập. Loài hoa nhắc mỗi người nhớ về hội xuân, về các chị và em gái trong tuổi xuân phơi phới của mình. Và cũng ít ngày nữa thôi, hoa gạo sẽ lại rực đỏ.

Minh họa: Công Quốc Hà.

Nhiều lần tôi theo chim chóc xuôi đê sông Hồng về mạn Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên để ngắm hoa gạo tháng ba. Những cây gạo cao sừng sững là nét chấm phá tài tình của thiên nhiên. Đê sông Hồng xanh như dải lụa xuân. Một thứ lụa thiên nhiên ban tặng mà ta phải lắng lại, cảm nhận bằng nhiều giác quan cộng lại. Và khi cảm nhận được vẻ đẹp của dải lụa ấy, sẽ được quyến luyến thêm với sắc hoa ngoại thành. Đặt chân lên thảm cỏ biếc, cũng là đặt chân vào miền êm ái đưa ta về với thuở thiếu thời, với những chiều ngân nga hát trên đê, chăn trâu, ngắm diều và hoa gạo.

Đầu làng tôi có cây gạo mà mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa từng gặp một cây nào lớn đến thế. Lũ trẻ con chúng tôi ngày đó chăm chỉ giúp gia đình vài công việc phù hợp, song vẫn chẳng quên sự hồn nhiên và thu xếp thời gian cho việc học và thắp sáng ước mơ cho mình. Tôi còn nhớ những anh chị ngày đó bảo rằng, hoa gạo có thể gửi ước mơ giúp con người tin vào điều kỳ diệu. Rằng ai thủ thỉ, nhờ hoa gửi ước mơ lên trời xanh, người đó sẽ được toại nguyện. Lũ chúng tôi đứa nào đứa nấy, cứ đến mùa hoa lại ngước lên cây, mắt nhắm lại, nói chuyện cùng cây gạo ngạo nghễ. Rồi đứa nào cũng xa quê, xa gốc gạo, bởi đều hoặc đỗ vào một trường nào đó, hoặc được đi làm việc mình thích. Ngày họp lớp, ôn lại kỷ niệm, lũ học sinh trường làng đúc rút một điều, là cụ cây không những có thể gửi ước mơ, mà còn có thể tâm tình với ta. Có đứa bạn văn hay, tổng kết y như thi sĩ: “Cây gạo vừa là ông, là cha, là bạn và là một sứ giả của thiên nhiên với con người”.

Sau này, ngẫm lại lời ông nội, càng thấy những điều mà cậu bạn học nói đúng. Cây gạo đứng đó, là nhân chứng, chứng kiến bao sự đổi thay của đời sống làng quê, làm bóng mát, làm bạn với bao thế hệ người làng. Cây gạo cũng thổ lộ với con người bằng sắc hoa tuyệt diệu, nói với những lứa đôi yêu nhau tháng ba đã về rồi đấy. Rằng chim chóc hãy hòa ca trong bản nhạc đời tuyệt diệu, để cuộc sống này đẹp hơn, thơ hơn.

Tôi đã viết rất nhiều thơ về cánh đồng làng, nhưng không bao giờ tả cho hết vẻ sinh động của dáng mà các mẹ, các chị làm nên mùa màng. Nhất là hình ảnh đẹp trong những mùa lúa mà nhiều người coi như di sản chỉ có ở các vùng quê mới có. Biết bao thế hệ người làng tôi sinh ra, lớn lên và cấy lúa ở mảnh đất này. Họ đã làm nên rất nhiều mùa cấy và mùa lúa. Rồi họ lần lượt bay qua sông, biến thành cánh cò cánh vạc. Những em bé lại lớn lên, làm chủ cánh đồng và chắt chiu sức lực để có mùa lúa vàng ruộm. Họ sẽ làm nên mùi của đồng quê tôi, mùi của no đủ, của bát cơm thơm dẻo, mùi tháng năm hoang hoải hoa bèo, hoa dại ngoài mương máng...

Bây giờ trong trí nhớ, tôi để một ngăn cho làng mình, quê hương mình. Tôi cũng làm đầy vẻ đẹp làng bằng sự trân trọng, gìn giữ bao điều cha ông nhắn gửi. Và như thế, phải chăng, những trải nghiệm, vốn sống từ tấm bé đến nay nơi làng quê đã trở thành kho tàng ký ức của tôi và nhiều người con khác? Ký ức luôn biết vỗ về nuôi dưỡng. Ký ức luôn biết sẻ chia và giúp nhân thêm những vẻ đẹp. Vậy ký ức thì gói ghém bằng gì, để mọi thứ trở nên hài hòa trong dòng chảy xốn xang này? Có phải gói bằng khúc tâm tình của đứa con nhiệt thành? Có phải gói bằng trọn vẹn cảm xúc của con người tử tế, luôn biết cách kê cao quê hương? Ôi dòng ký ức mến thương, đã cho tôi biết đường về làng, về với miền thân ái, để dù có đi đâu tôi cũng lạc quan, thêm yêu quê và coi đó là chốn nương náu của đời mình.

NGUYỄN VĂN HỌC