Hành trình hiểm nguy trên Địa Trung Hải
Cuối cùng thì 440 người di cư lênh đênh trên một tàu cá đã được giải cứu ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Malta trên Địa Trung Hải sau 11 giờ cứu hộ liên tục. Tàu GeoBarents của Tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MFS) đã vớt nhóm người di cư khi họ đã trải qua 4 ngày lênh đênh trên biển. Họ đến từ Syria, Pakistan, Bangladesh, Ai Cập, Somalia, Libya và Sri Lanka trong một hành trình vượt biển vô vọng.
Reuters mô tả, ngày 9/4, khi các nhân viên cứu trợ tiếp cận con tàu của người di cư thì cũng là lúc liên tục bị nước tràn vào. Con tàu đã hết nhiên liệu và nước ngập khoang dưới. Trước đó, họ nhận được một cuộc gọi từ chiếc thuyền trong đêm và đã thông báo cho chính quyền. Tuy nhiên, các nhà chức trách Malta đã không tiến hành một chiến dịch giải cứu chiếc thuyền khởi hành từ Tobruk (Libya).
Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, 440 người di cư đã được giải cứu ngoài khơi Malta.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, cảnh sát biển các quốc gia châu Âu ven Địa Trung Hải đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra, cứu giúp, kể cả trục xuất những người vượt biển gặp nạn. Đại diện Cảnh sát biển Italy cho biết, Tunisia đang trở thành cửa ngõ được nhiều người di cư lựa chọn để tìm cách vào châu Âu. Tuy nhiên, không ít người đã phải trả giá bằng mạng sống.
Joseph, một ngư dân vùng Cận Sahara (châu Phi) kể rằng, vào các buổi chiều tại thị trấn ven biển Sfax của Tunisia, rất dễ bắt gặp những nhóm cả đàn ông, đàn bà và trẻ con “rất lạ” tụ tập: Họ đang tìm cơ hội để thực hiện một kế hoạch đơn giản là lên một chiếc thuyền gần Sfax và băng qua Địa Trung Hải đến châu Âu.
"Hãy nhìn xem," Joseph nói, chỉ vào bức ảnh trên màn hình điện thoại chụp một người vừa rời khỏi Sfax. "Anh ấy chết rồi. Chết đuối".
Đứng gần Joseph, mang theo một chiếc bánh mì kẹp thịt, là Olivier, đến từ Bờ Biển Ngà. Anh đến Sfax một năm trước và đang cố gắng tiết kiệm 3.000 dinar (tương đương 23 triệu đồng) để thực hiện chuyến đi đến châu Âu. Olivier cho biết hầu hết mọi người phải mất 2 năm mới tiết kiệm đủ tiền trả cho những kẻ buôn lậu. Cách thức hoạt động của hành trình vượt biên như sau: những kẻ buôn người liên lạc với người có nhu cầu và bảo họ bắt taxi đến các điểm dọc theo bãi biển. Khi đến nơi, mọi người có thể thử vượt biển với một ngư dân, hoặc mua một chiếc thuyền và trả thêm tiền để được đào tạo về điều hướng. Một sự chuẩn bị sơ sài cho một hành trình đầy rủi ro.
Olivier chỉ vào một khu chợ nhỏ và nói: "Có hàng nghìn người như chúng tôi ở Tunis. Thị trấn Sfax là thủ đô di cư của Địa Trung Hải".
Còn trên bãi biển La Louza, miền Trung Tunisia, những nhóm người di cư thất thểu trở về. Dossou Mamadou - một người di cư đến từ Bờ Biển Ngà kể lại: "Chúng tôi không còn tiền mua thức ăn, tiền thuê nhà lại càng không. Tôi không biết ngủ ở đâu nữa. Giải pháp duy nhất là đến châu Âu nhưng đã bất thành”.
Tuy thế, ông Dossou Mamadou cho biết hành trình vượt Địa Trung Hải không thành của mình có khi lại là may mắn. Mamadou đã tận mắt đếm được 130 người chết khi cảnh sát đem thi thể họ vào bờ. Trong khi để thực hiện được chuyến vượt Địa Trung Hải, mỗi người đã phải trả cho nhóm buôn ngươi 2.000 USD, trong một hành trình nếu thuận lợi chỉ mất khoảng 10 giờ để đến được một bãi biển bất kỳ nào đó của Italy.
Phóng viên kênh truyền hình CNN dẫn lời của một gã buôn người, nói: "Không có gì đảm bảo trên biển. Bạn có thể bị bắt. Nếu không may mất mạng, bạn phải chấp nhận vận mệnh của mình thôi".
Trong khi đó, Đại tá Ayman Mbarki của Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia cho biết, họ đã cố gắng phát hiện thuyền của những kẻ buôn người bằng radar và các cuộc tuần tra thường xuyên. “Nhưng trong nhiều vụ chúng tôi đến hiện trường để tìm thi thể chứ không phải người sống sót”.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), khoảng 1.600 người Tunisia đã vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền của những kẻ buôn người trong 3 tháng đầu năm nay, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giới chức Italy lo ngại khoảng 900.000 người di cư sẽ vượt Địa Trung Hải tới nước này trong năm nay.
Về phía chính quyền nơi người di cư tụ tập để vượt Địa Trung Hải vào châu Âu, họ cũng phải căng mình để ngăn chặn những cuộc vượt biển bất trắc. Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia cho biết việc tìm kiếm diễn ra liên tục trong khi số người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu ngày càng tăng.
Một trung úy cảnh sát bảo vệ bờ biển Tunisia kể lại, tháng 5 năm ngoái, anh và các đồng đội đã giải cứu được 44 người di cư bất hợp pháp ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này. “Họ chen chúc nhau trên một chiếc tàu nhỏ. Nó chết máy đúng lúc bão biển nổi lên. Tiếng người gào thét tuyệt vọng lẫn trong tiếng sóng biển. Khi chúng tôi đưa được họ vào bờ thì 10 người đã chết. Những người sống sót nằm vật ngay mép nước”.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế có khoảng 2.000 người di cư mất tích hoặc chết đuối trong năm 2021 khi tìm cách vượt Địa Trung Hải vào châu Âu. Con số đó của năm 2022 chưa được thống kê, nhưng có thể cũng không kém năm 2021.
Cho rằng hệ thống quản lý người tị nạn của EU đã thất bại, một số nước châu Âu đang muốn củng cố phòng tuyến chống người di cư ở khu vực Balkan. Các quan chức từ Áo, Hungary và Serbia đã tổ chức một cuộc họp cấp cao trong bối cảnh các nước báo cáo sự gia tăng đáng kể số lượng người di cư di chuyển dọc theo “tuyến đường Balkan”. Đây là tuyến đường người di cư di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, qua Bắc Macedonia và Bulgaria, để tới Serbia - một quốc gia vùng Balkan ở Đông Nam Âu. Các chuyên gia cho rằng tuyến đường bộ Balkan thường trở nên sôi động hơn trong điều kiện thời tiết xấu khi các tuyến đường di cư qua biển Địa Trung Hải và biển Aegean trở nên nguy hiểm hơn. Phần lớn người di cư đến từ Afghanistan và Syria, nhưng cũng có những người chạy trốn đói nghèo và bạo lực ở châu Phi hoặc châu Á. Chính quyền Áo cho biết, nước này đã nhận được hơn 100.000 đơn xin tị nạn trong năm 2022, so với khoảng 40.000 đơn vào năm 2021.