Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo 'nóng' sau khi có tình trạng các trung tâm đăng kiểm chỉ nhận xe chính chủ
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có chỉ đạo nóng sau khi người dân phản ánh tình trạng có trung tâm đăng kiểm chỉ tiếp nhận kiểm định phương tiện khi chủ xe là chính chủ.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhận được các thông tin phản ánh của người dân và trên phương tiện thông tin đại chúng về việc có một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (ĐVĐK) tự ý đưa ra các yêu cầu không đúng quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ...
Đơn cử, trung tâm đăng kiểm 63-02D yêu cầu chủ xe “Cung cấp chứng từ bảo dưỡng, bảo trì, định kỳ, hình ảnh chứng minh công tác bảo dưỡng” và chỉ tiếp nhận kiểm định phương tiện khi chủ xe là chính chủ hoặc có giấy ủy quyền không đúng quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.
Hay, một số đơn vị 60-01S, 50-04V và 50-03S...chưa chủ động áp dụng linh hoạt việc đặt lịch hẹn kiểm định thông qua ứng dụng phần mềm hoặc cấp phát số thứ tự, dẫn đến tình trạng chủ phương tiện có tâm lý sợ mất lượt nên đã đưa các phương tiện đến xếp hàng sẵn trong và ngoài khu vực của đơn vị để chờ đến lượt (ăn, ngủ tại xe) vào kiểm định nên càng tạo thêm áp lực cho ĐVĐK cũng như các phương tiện khác khi đi đăng kiểm, gây tâm lý mệt mỏi cho người đưa xe đi kiểm định cũng như gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đơn vị nói riêng và của cả lĩnh vực đăng kiểm nói chung.
Đặc biệt, một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại Thanh hóa từ chối tiếp nhận thực hiện việc cấp miễn kiểm định lần đầu hoặc đơn vị đăng kiểm 29-14D hẹn thời gian giải quyết cấp miễn kiểm định lần đầu quá dài.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cũng trong thời gian vừa qua xuất hiện một số thông tin nhân viên ĐVĐK, cò xe tranh thủ tình hình ùn tắc để có hành vi tiêu cực nhằm trục lợi trong việc bố trí “xếp lốt” phương tiện không theo trình tự, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Với những nội dung như phản ánh nêu trên có thể nói đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đăng kiểm vào giai đoạn khi cả hệ thống đang gồng mình cố gắng từng ngày để từng bước lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Hoạt động kiểm định xe cơ giới là hoạt động cung cấp dịch vụ công cho xã hội đã được pháp luật quy định.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiêm cấm các đơn vị đăng kiểm, các đăng kiểm viên và nhân viên đăng kiểm không được tùy tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu và ban hành các quy định trái pháp luật để tiêu cực, trục lợi. Cục sẽ xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, Cục Đăng kiểm cũng yêu cầu các đơn vị đăng kiểm phải bố trí nhân viên nghiệp vụ chuyên trách để thực hiện các thủ tục tiếp nhận và cấp miễn kiểm định lần đầu cho phương tiện đảm bảo được nhanh chóng, thuận tiện; không để tình trạng chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết.
Trung tâm đăng kiểm phải chủ động tổ chức thực hiện việc đăng ký lịch hẹn kiểm định thông qua ứng dụng phần mềm hoặc cấp phát số trực tiếp. Các đơn vị không để tình trạng chủ phương tiện xếp hàng chờ đợi tại khu vực đơn vị đăng kiểm không đúng thời gian đã đăng ký.
"Các chủ phương tiện chỉ đến trung tâm theo đúng khung giờ đã đặt để tránh ùn tắc và không bị "cò" lợi dụng mua bán chỗ", Cục Đăng kiểm thông báo.
Với đề nghị xử lý vi phạm của công an giao thông, công an cấp xã và huyện có thể đứng ra xử lý rồi gửi về Cục Đăng kiểm để xóa cảnh báo.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh hỗ trợ, tăng cường đăng kiểm viên cho các trung tâm tại Hà Nội, TP HCM và các điểm nóng.