Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng
Kinh tế trong nước vận hành trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp. Hoạt động xuất khẩu, tiêu dùng đang có xu hướng chững lại. Thực tế đó đặt ra không ít thách thức, và để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm nay, cần phải tập trung dồn lực, cùng đó là nhiều biện pháp thực tế, linh hoạt phù hợp tình hình.
Tăng khuyến mãi, đẩy sức mua
Theo chia sẻ của chị Trần Thị Thu Hà (Lê Văn Lương, Hà Nội), chị rất ngạc nhiên khi nhận được điện thoại có nội dung rằng, chị được tặng một cặp vé máy bay khứ hồi (áp dụng cho bất kỳ hãng máy bay nào mà khách hàng lựa chọn đặt vé – PV) kèm phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao để trải nghiệm du lịch 3 ngày 2 đêm tại 1 trong 3 địa điểm: Đà Nẵng, SaPa, Quảng Ninh. Sau khi tìm hiểu, chị Hà được biết đây là chương trình tri ân khách hàng của một công ty du lịch nằm trong chương trình kích cầu du lịch năm 2023.
Còn chị Hoàng Hồng Hạnh (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, cũng thường xuyên nhận được tin nhắn từ một cửa hàng nhập khẩu hàng tiêu dùng thông báo: Tài khoản của khách hàng được khuyến mãi 350.000 đồng cho giỏ hàng có hoá đơn từ 1,5 triệu đồng.
Chủ một cửa hàng bán đồ gia dụng ở phố Huế (Hà Nội) chia sẻ, kinh tế ngày càng khó khăn, cửa hàng phải giảm giá, đẩy mạnh các hình thức khuyến mại thì mới nhận được sự tương tác của khách hàng, nếu không hàng tồn kho lớn, rất ế ẩm.
Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga-Ukraina kéo dài... Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm. Giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistics... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô…
Để kích thích sức mua trong thời gian này, nhiều DN triển khai các chương trình khuyến mãi lớn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Chẳng hạn Bách hoá Xanh áp dụng mức giá bình ổn cho một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu kèm với nhiều khuyến mãi giúp người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn; Công ty Vissan giảm giá 20% cho sản phẩm trong nhóm bình ổn trong suốt 1 tháng, và sẽ thay đổi sản phẩm theo từng tháng. Chương trình này sẽ được duy trì từ tháng 4 đến tháng 6 đối với các sản phẩm: nạc đùi vai heo, cốt lết heo, chân, bắp giò heo; Công ty Ba Huân giảm 20% cho mặt hàng trứng gà (10 quả/vỉ), 25% -30% cho xúc xích heo, bò, gà và đùi gà, cánh gà...
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay DN đối diện với rất nhiều khó khăn ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong khi sức mua trong nước yếu, thì việc điều chỉnh tăng giá sẽ tác động ngược trở lại cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa của DN, nên thời gian qua các DN đã nỗ lực giữ giá, giảm giá. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất hiện nay để hỗ trợ cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa của DN là thông qua chương trình kết nối giao thương, kết nối cung cầu. Đây là chương trình hỗ trợ cho các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng gặp gỡ trực tiếp với các hệ thống phân phối và giới thiệu hàng hóa tới người tiêu dùng nhanh nhất.
Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp
Theo kịch bản đã đề ra năm 2023 đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Do quý I, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 nên để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%.
Bà Nguyễn Thị Hương -Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, DN và người dân.
Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
“Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao”- bà Hương nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, qua khảo sát, điều tra hơn 12.000 DN trong 63 tỉnh, thành cho thấy, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động nhiều mặt tới DN. DN phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường… và sự lạc quan của DN cũng giảm đi nhiều.
Ông Tuấn nhấn mạnh, chính sách tài chính đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Chương trình phục hồi được đánh giá là nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, mức độ thực hiện có khác nhau. DN tiếp cận chính sách về thuế, phí là nhanh nhất và trên diện rộng. Trong bối cảnh năm 2023 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân, DN, như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2%, vì đây là nhóm chính sách quan trọng và hiệu quả cao.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
Chủ động kiểm soát các yếu tố về giá
Trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ cho DN và nền kinh tế, chúng ta phải kết hợp đồng bộ các giải pháp. Ví dụ như, chính sách tài khóa hỗ trợ trực tiếp để giảm chi phí đầu vào cho người dân, DN, mà chủ yếu là thuế, phí. Chính sách tài chính phải thực sự có hiệu quả, giảm những chi tiêu không hợp lý, cân đối cung, cầu khi ảnh hưởng đến lạm phát. Chính sách thương mại cần điều hòa cung cầu, đặc biệt là đối với những mặt hàng nguyên liệu đầu vào.
Việc cải cách thủ tục hành chính, cần tạo thuận lợi cho người dân, DN, giảm bớt phiền hà, giảm thiểu tiêu cực. Bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp ứng phó với một số vấn đề sẽ diễn ra trong thời gian tới, như giá điện tăng, tăng lương… khiến các mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo. Tất cả các yếu tố đó chúng ta cần chủ động kiểm soát để tránh tình trạng “té nước theo mưa”...