'Bơm vốn' để doanh nghiệp hồi sức

Thúy Hằng 17/04/2023 08:00

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý I/2023, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn; tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Gần 12,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Điều đó cho thấy phía trước của DN còn nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn ngân hàng.

Khó nhất là tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 2%

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, nếu nói quý I/2023 là điểm đáy của tăng trưởng thì vẫn hơi sớm, vì có thể khó khăn còn kéo dài, khi mà nhu cầu tiêu thụ giảm nên khó đoán định đầu ra, số lượng. Trong khi đó, cả chi phí đầu vào tăng mạnh. Việc huy động vốn của DN gặp khó, từ tín dụng đến trái phiếu DN…

Vẫn theo ông Đoàn, trong bối cảnh đó với bất kỳ DN nào muốn đón cơ hội thì phải thực sự trở thành những DN, nghĩa là có năng lực thật, có khả năng hội nhập.

Báo cáo của Hiệp hội DN TPHCM gửi UBND thành phố cho biết, sau khi khảo sát hơn 100 DN về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2 thì có 83% DN đang gặp khó khăn. Cụ thể, có 43% DN gặp khó khi lãi suất vay cao; 40% đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% DN phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Do đó, các DN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất, khống chế tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế; cần khống chế trần lãi suất, giữ lãi suất cho vay khoảng 8 - 8,5%/năm.

Tại buổi công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cũng chỉ ra kết quả sau khi điều tra từ 12.000 DN, thì tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% DN, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019; 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021. Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các DN tư nhân nói chung, trong đó các DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả.

Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, DN cho biết rất khó tiếp cận thông tin. Có tới 74,8% DN cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các DN khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Cần đa dạng các kênh tiếp cận vốn

Thực tế thì khó khăn của DN chưa bao giờ hết, nhưng thời điểm này DN lớn nhỏ, DN trong nước, DN nước ngoài đều có nhiều ý kiến, kiến nghị về những rủi ro, bất cập trong thực thi chính sách, khiến niềm tin kinh doanh bị thử thách. Nhiều khó khăn bủa vây dẫn đến hệ quả là, năng lực nội tại của nhiều DN đang yếu đi.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng việc tiếp cận vốn của DN rất khó. Chẳng hạn việc triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn khá chậm so với nhu cầu. Nguyên nhân một phần do DN còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất và quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi” chưa rõ ràng.

Để hóa giải các thách thức này, bà Minh cho rằng, việc duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho DN. Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho DN cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm.

Đại diện DN xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng, không có tiền thanh toán cho nhà thầu. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn gán nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm nhà hoặc chây ì không thanh toán. Tình trạng này khiến nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản.

“Nhà thầu Việt Nam vốn nhỏ, trong đặc điểm ngành xây dựng ứng vốn làm trước rồi mới được chủ đầu tư thanh toán sau. Nếu chủ đầu tư chậm trả, nhà thầu chết chắc (vừa không có tiền trả vật tư, nhân công vừa phải lo trả lãi vay ngân hàng). Trong bối cảnh này, một số nhà thầu còn cố gắng đấu thầu bằng mọi giá để cứu DN trước mắt nhưng càng làm càng lỗ, càng gần hơn nguy cơ phá sản” - ông Hiệp chia sẻ.

Để góp phần giúp DN phát triển, ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng nên đa dạng các kênh tiếp cận vốn. Hiện DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng vay vốn từ tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng.

“Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của DN. Từ đó, khuyến khích tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về DN nhỏ và vừa. Đồng thời, minh bạch tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho DN nhỏ và vừa” - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, vẫn còn nhiều bất cập trong môi trường kinh doanh. Nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi làm phát sinh nhiều chi phí cho DN, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh; áp lực nặng nề từ các chi phí mà doanh nghiệp vẫn đang phải gánh chịu như nguyên liệu, chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển… Từ đó ông Cương cho rằng cần các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến thuận lợi cho môi trường kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.

Thúy Hằng