Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân khi thu hồi đất

Tiến Đạt 17/04/2023 07:00

Thu hồi đất ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Yêu cầu trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi và nguồn thu nhập có liên quan đến đất bị thu hồi.

Cần xem xét giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định đối với người đang sử dụng đất thuộc đối tượng cần phải bố trí đất nông nghiệp, có nhu cầu tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

Sau quá trình lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổng hợp nhiều ý kiến phản biện xã hội chuyên sâu vào một số vấn đề về thu hồi đất. Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, những chủ thể có đất bị thu hồi không chỉ bị mất quyền sử dụng đất mà còn phải di dời chỗ ở, thay đổi địa điểm kinh doanh, thói quen sinh hoạt. Vì vậy về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tại khoản 2 Điều 89 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí cụ thể, vì việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không chỉ là chỗ ở mà còn là nơi sinh sống, tư liệu sản xuất và các điều kiện khác.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại quy định giá đất bồi thường bằng tiền quy định tại khoản 3 Điều 89, cụ thể nên lấy giá thị trường tại thời điểm thu hồi thay vì lấy giá do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt. Thực tế giá đất ở địa phương thường do HĐND tỉnh quyết nghị tại kỳ họp cuối năm, chưa theo kịp và bám sát được biến động về giá đất của thị trường. Do vậy, nếu áp dụng giá bồi thường theo quy định này để làm căn cứ bồi thường phần lớn là không phù hợp, thấp hơn thực tế, làm phát sinh nhiều ý kiến phản đối hoặc khiếu nại của người dân. Hậu quả là làm kéo dài thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ của dự án, ảnh hưởng tới an ninh trật tự ở địa phương và tăng chi phí cho dự án cũng như ngân sách do quá trình xin ý kiến, tổ chức vận động, cưỡng chế…

Liên quan đến việc bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 95 sẽ rất khó thực hiện, bởi mặc dù đất phi nông nghiệp có cùng mục đích sử dụng nhưng tùy vào vị trí địa lý mà lợi thế sản xuất, canh tác sẽ khác nhau, cho nên rất khó dùng đất để bồi thường đáp ứng yêu cầu của người sử dụng đất. Vì vậy, điểm này nên chỉ quy định bồi thường bằng tiền. Mặt khác, trong trường hợp nếu người đang sử dụng đất thuộc đối tượng cần phải bố trí đất nông nghiệp, có nhu cầu tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì được xem xét giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định, các điều khoản bồi thường về đất khác cũng đề nghị quy định tương tự.

Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất là việc làm cần thiết, giúp người dân sớm có được sinh kế và việc làm ổn định để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 105 của dự thảo Luật quy định “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm”. Quy định như vậy có thể dẫn đến tình trạng đòi đền bù quá mức của những hộ dân chỉ mất chút ít đất nông nghiệp, chưa ảnh hưởng nặng đến thu nhập của hộ bị ảnh hưởng.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, chỉ những hộ bị thu hồi đến 25% mới ảnh hưởng đến thu nhập và cần phải được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Vì vậy, theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ quy định này để đảm bảo công bằng cho các hộ bị thu hồi đất và tránh trường hợp kiện tụng không đáng có.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện chỉ quy định UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư (khoản 1, Điều 106). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định cấp xã là cấp gần dân nhất, sâu sát với nhân dân, nắm chắc tình hình quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn cấp xã, do đó hiểu được mọi tâm tư nguyện vọng, yêu cầu, phong tục tập quán của người dân tái định cư. Vì vậy, Ban soạn thảo nên cân nhắc thêm khả năng bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã vào Điều 106 của dự thảo Luật để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.

Tiến Đạt