Những ngày giữa tháng 4, trên khắp các bờ biển của các huyện Hoằng Hoá, Quảng Xương…, ngư dân rộn ràng bước vào vụ đánh bắt và chế biến con sứa biển. Hiện nay, giá sứa biển đầu vụ tăng cao gấp 3 lần so với năm trước, khiến ngư dân xứ Thanh phấn khởi sau những chuyến vươn khơi. Không như các loại hải sản khác phải đánh bắt xa bờ, sứa chỉ cần đánh ven bờ, việc đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt sứa lại đơn giản, ít tốn kém hơn so với các nghề chài lưới khác nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân với mức thu cao sau mỗi đêm ra khơi. Tại cảng cá Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, không khí khẩn trương, nhộn nhịp mỗi khi bè, mảng về bến thì tiếng í ới gọi nhau của các chủ phương tiện, thu mua con sứa cùng tiếng động cơ của những chiếc mô tơ vận chuyển sứa càng làm không khí ở đây thêm phần nhộn nhịp. Với giá sứa tươi trên đang giao động từ 20.000 - 25.000 đồng/con, mỗi ngày, một bè mảng có thể thu về từ 2-5 triệu đồng. Nhờ hiệu quả mang lại từ con sứa, nhiều ngư dân ở Hoằng Trường đã đầu tư tàu công suất lớn, vươn khơi khai thác sứa tại các vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh), Cô Tô (Hải Phòng)... Sứa sau khi khai thác được bán luôn trên biển cho đội tàu dịch vụ của các tỉnh bạn. Ngoài đánh bắt, nghề thu mua, chế biến sứa biển cũng là nghề đem lại thu nhập khá cho nhiều người ở xã biển Hoằng Trường. Hiện nay, toàn xã còn 4 cơ sở thu mua, chế biến sứa biển xuất đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Sứa sau khi đánh bắt được vận chuyển về khu chế biến rửa sạch và được cắt miếng, phân loại thành các loại mình sứa, chân sứa, tay sứa... Sau khi phân loại, sứa được chuyển đến bể quay trong vòng để loại bỏ bớt nhớt và nước trong thân sứa. Tiếp đó, sứa biển được cho vào các bể xi măng ngâm với nước, muối, phèn với độ mặn thích hợp để đảm bảo sản phẩm sứa thành phẩm sạch, dai, giòn sần sật. Đây là khâu đảm bảo chất lượng sứa thành phẩm. Anh Lê Phạm Thao – Chủ cơ sở thu mua và chế biến sứa Thao Linh cho biết: Sau khi thu gom sứa từ các bè mảng, chúng tôi cho sơ chế sứa tách thành từng phần chân, tay và mình sứa sau đó dùng hệ thông máy khuấy đánh sạch nhớt từ 8 – 9h. Tiếp đó, thực hiện công đoạn muối sứa, hàng ngày tăng lượng muối dần lên, từ 5 ngày trở lên là sứa có thể xuất bán được. Khâu quan trọng nhất trong việc sơ chế sứa là kiểm soát độ mặn, độ mặm giao động từ 20-25 độ là đạt yêu cầu… Cũng theo anh Thao, hiện cơ sở của anh bán các sản phẩm sứa thành phẩm với giá 300 nghìn đồng/thùng loại 10kg đối với mình sứa. Còn sứa chân, tay là những phần ngon nhất được bán với giá từ 350.000đồng/thùng loại 10kg. Sứa thành phẩm có thể chế biến thành nhiều món như nộm sứa, lẩu sứa, canh chua... Đặc biệt món nộm sứa là món ăn vùng biển vô cùng hấp dẫn, thanh mát, mang lại hàm lượng chất dinh dưỡng cao cho cơ thể nên được nhiều người ưa chuộng.
Đình Minh