Xây dựng thương hiệu nông sản Việt

QUỐC ĐỊNH 18/04/2023 06:00

Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, trái cây, rau quả, thuỷ hải sản... nhưng có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng, chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu... Điều này khiến nông sản xuất khẩu chịu thiệt hại không nhỏ.

Tập trung xây dựng thương hiệu sẽ giúp cho vị thế nông sản của Việt Nam đứng vững trên thị trường quốc tế.

“Mượn danh” để xuất khẩu

Báo cáo tại một buổi tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” vừa được tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Toàn, đại diện Ban tổ chức đã đưa ra 2 ví dụ rõ nét về sự thiệt thòi của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đó là giống sầu riêng có xuất xứ từ Malaysia - Musang King - trồng tại Việt Nam, đang được bán từ 500 - 800 nghìn đồng/kg. Nghĩa là để mua một quả sầu riêng từ 2 - 3 kg, người tiêu dùng phải chi hơn 2 triệu đồng. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam, chất lượng không hề thua kém nhưng giá cao nhất cũng chỉ 100.000 đồng/kg, quá thấp so với giá sầu riêng nước bạn.

Ví dụ thứ 2 là giá cà phê trực tuyến robust tại London (Anh) hiện được ghi nhận khoảng trên 2.200 USD/tấn, nghĩa là chúng ta bán 1kg cà phê nhân mang lại khoảng 2,3 USD, tương đương với giá 1 ly cà phê ở các nước này. Trong khi 1kg cà phê nhân có thể pha được khoảng 50 ly. Hay nói đơn giản hơn, dù chúng ta sản xuất ra cà phê nhưng phần thu về chỉ bằng 1/50 so với những người bán cà phê.

Ngoài ra, còn rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của chúng ta như gạo, tiêu, điều, rau quả, trái cây, sản phẩm gỗ... với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.

“Đó chính là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có hoặc có nhưng thương hiệu chưa đủ mạnh. Thế nên với chúng tôi, làm thương hiệu không phải để bán được nhiều sản phẩm hơn mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, cho doanh nghiệp và đặc biệt là cho người nông dân Việt Nam” - ông Toàn nói.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, những nút thắt "mượn danh", xuất thô của các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn tồn tại và cần phải sớm được giải quyết.

Cần trách nhiệm của cả cộng đồng

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân - “cha đẻ” của nhiều giống gạo ngon của Việt Nam, câu chuyện thương hiệu nông, thuỷ sản đã bàn nhiều nhưng hiện chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt đầu từ 3 bên bao gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. “Xây dựng thương hiệu thật sự quan trọng nhưng phải theo quy trình và tất cả các bên liên quan đều phải có trách nhiệm xây dựng thương hiệu đó” - Giáo sư Võ Tòng Xuân gợi ý.

Ông Adisak Torsakul - Phó Tổng Giám đốc, phụ trách điều hành Kinh doanh Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng, sản phẩm nông sản thì có rất nhiều nước trên thế giới sản xuất nên cần phải tạo sự khác biệt.

Ông Adisak Torsakul chia sẻ các bước xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp mình: Đầu tiên, phải tạo ra được sản phẩm đặc biệt; xây dựng được bộ phận kiểm tra tiêu chuẩn và bộ phận này có trách nhiệm nghiên cứu, rồi xây dựng những yếu tố mà người tiêu dùng thế giới chấp nhận được. Sau đó tiến hành thực hiện chiến dịch marketing sản phẩm. Khi đã xây dựng được thương hiệu của mình, quản trị thương hiệu là một bước không thể thiếu.

“Một thương hiệu dù tầm cỡ đến mức nào nếu không có chiến lược quản trị thương hiệu thì hình ảnh sẽ mờ nhạt dần, mất dần niềm tin từ khách hàng. Thị trường phát triển, cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, quản trị thương hiệu là điều doanh nghiệp nhất định phải làm nếu muốn tồn tại” - ông Adisak Torsakul nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đặt vấn đề: Làm sao để xác định được ai sẽ đóng vai trò ở đâu, vai trò như thế nào để chúng ta để xây dựng thương hiệu, vì thực tế có những thương hiệu xây dựng xong rồi thì việc phát huy nó không được bao nhiêu vì đối tượng trực tiếp thực hiện và thụ hưởng cho thực sự chuyên nghiệp.

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành công (TTC) mong muốn, các tham tán thương mại nên quan tâm hơn nữa để đưa những thương hiệu nông sản Việt ra thế giới. Đối với người trực tiếp làm ra sản phẩm và làm thương hiệu, ông Thành cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt, phải bắt đầu từ trách nhiệm và tinh thần doanh nhân và phải bắt đầu từ thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.

Năm 2022, xuất khẩu nông sản mang về 47 tỷ USD, chiếm 12,9% trong tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Việc phát triển thương hiệu tốt cho các sản phẩm nông nghiệp dự kiến sẽ giúp đem lại nguồn lợi gấp nhiều lần con số trên. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

QUỐC ĐỊNH