Thận trọng với diễn biến mới của Covid-19

Mai Phương 19/04/2023 06:47

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới, trong khi 4 khu vực đều có xu hướng giảm, thì ở khu vực Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải lại tăng đáng kể.

Các ca mắc mới Covid-19 đang gia tăng tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: The New York Times.

Gia tăng ở Đông Nam Á

Báo cáo hàng tháng mới nhất của WHO cho biết, số ca mắc mới được báo cáo trong 28 ngày, từ ngày 13/3 - 9/4, đã giảm ở 4 trong số 6 khu vực: châu Phi giảm 45%, Tây Thái Bình Dương giảm 39%, châu Mỹ giảm 33% và châu Âu giảm 22%; trong khi tăng ở 2 khu vực Đông Nam Á là 481% và Đông Địa Trung Hải là 144%.

Ngoài ra, nhiều nước khác tại khu vực châu Á cũng ghi nhận mức tăng rất nhanh. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh tăng cao nhất được ghi nhận ở Nepal, tăng 1.198%. Tại Ấn Độ, số ca mắc mới tăng 937% từ 6.374 lên 66.124 ca và ở Maldives tăng 614% từ 21 lên 636 ca.

Cũng theo báo cáo trên, từ ngày 13/3 - 9/4, thế giới ghi nhận thêm 3 triệu ca mắc mới và hơn 23.000 ca tử vong vì Covid-19, giảm lần lượt 28% và 30% so với tháng trước. Tính đến ngày 9/4, hơn 762 triệu ca mắc đã được xác nhận và hơn 6,8 triệu ca tử vong liên quan đến Covid-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới.

WHO cũng cho biết, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 đã tăng 109% ở Đông Nam Á và 138% ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong giai đoạn báo cáo nói trên.

Bác sỹ Atul Gogoi, tư vấn cao cấp, bệnh viện Sir Ganga Ram, Ấn Độ, nhận định: “Chúng tôi dự tính con số mắc mới Covid-19 có thể tăng lên trong vài tuần tới, dự báo có thể tăng mạnh nhất trong khoảng hai tuần. Đó là lý do tại sao chúng ta cần thận trọng hơn”.

Tại Thái Lan, các chính khách, học giả, chuyên gia y tế đã kêu gọi người dân nước này cảnh giác trước nguy cơ nhiễm biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron gây bệnh Covid-19, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore cũng cảnh báo, “đảo quốc sư tử” đang bước vào đợt lây nhiễm Covid-19 mới với số ca mắc hàng ngày ước tính tăng từ khoảng 1.400 ca trong tháng 3 lên 4.000 trường hợp chỉ trong tuần trước. Khoảng 30% số ca mắc Covid-19 hiện nay là tái nhiễm, cao hơn mức từ 20 - 25% của đợt dịch gần nhất. Các chuyên gia kêu gọi người dân cảnh giác hơn để tự bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ sức khỏe cho những người cao tuổi trong gia đình khỏi nguy cơ mắc Covid-19.

Trong tháng 5 tới đây, Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO sẽ nhóm họp để thảo luận về việc liệu Covid-19 có còn là một tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm hay không.

Trước đó, vào ngày 27/1, Ủy ban này đã nhóm họp để thảo luận về việc liệu tình hình dịch Covid-19 hiện nay còn tương ứng với mức báo động toàn cầu cao nhất hay không. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng.

Tăng cường khuyến nghị

Trước sự gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 từ đầu tháng 4, cũng như khả năng số ca mắc sẽ tăng mạnh do có nhiều sự kiện xã hội lớn được tổ chức nhân dịp lễ hội Hari Raya – lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Hồi giáo, giới chuyến gia y tế Malaysia đã đưa ra cảnh báo và khuyến nghị phòng, chống dịch bệnh.

Chuyên gia y tế công cộng của Đại học Kebangsaan Malaysia, Giáo sư, Tiến sĩ Sharifa Ezat Wan Puteh khuyến nghị, người dân nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt là những người có nguy cơ cao nhiễm hoặc tái nhiễm virus.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sự gia tăng các ca mắc Covid-19 là do một số dòng phụ của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, trong khi càng gần đến dịp lễ Hari Raya thì số người trở về quê nhà thăm người thân ngày càng nhiều khiến virus có khả năng lây lan trên diện rộng.

Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia - Tiến sĩ Zaliha Mustafa, 63,8% số ca nhập viện do Covid-19 trong thời gian gần đây liên quan đến bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, trong khi 90,7% là những người mắc bệnh lý nền. Hầu hết trong số họ có các triệu chứng nhẹ và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân không được tiêm vaccine cao gấp 6 lần so với những người được tiêm một liều.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Moy Foong Ming thuộc Khoa Y tế dự phòng và Xã hội của Đại học Malaya đề xuất, Bộ Y tế nên tăng cường các thông điệp công khai về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và khuyến khích người dân thực hiện trong thời gian các ca mắc Covid-19 gia tăng. Đối với tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong trường học, bà cho rằng các bậc phụ huynh không nên cho con đến trường khi có triệu chứng bệnh.

Trước tình hình mới, Bộ Y tế Thái Lan đang sửa đổi chiến lược tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 để đối phó với tình trạng số ca mắc mới Covid-19 gia tăng.

Tiến sĩ Tares Krassanairawiwong - Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho biết, trong tuần từ 9-16/4, nước này ghi nhận 435 ca mắc mới Covid-19 phải nhập viện, tức khoảng 62 ca/ngày, tăng 2,5 lần so với tuần trước đó. Trong số ca mắc mới này, ông Tares cho biết có 30 bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi và 19 người phải sử dụng máy thở, tăng lần lượt 58% và 36% so với tuần trước.

Tiến sĩ Tares khuyến nghị tất cả các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là người già và những người mắc bệnh mãn tính cần tiêm mũi nhắc lại càng sớm càng tốt. Trước tình hình gia tăng số ca mắc Covid-19 và ca trở nặng như hiện nay, ông Tares cho biết, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch Covid-19, theo đó sẽ bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc lại giống như các mũi tiêm phòng cúm theo mùa, bắt đầu từ tháng tới.

Các chuyên gia cho rằng, làn sóng Covid-19 mới xảy ra do những biến chủng phụ XBB, một phiên bản của biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao nhưng không gây triệu chứng nghiêm trọng. Trong khi đó, hầu hết dân số trong khu vực Đông Á - Nam Á đã được tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó.

Mai Phương