Học sinh tự tử nghi do bạo lực học đường: Nhà trường có vô can?
Từ vụ việc học sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bạo lực học đường, một lần nữa cho thấy hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn này gây ra.
Bộ GDĐT yêu cầu điều tra, sớm làm rõ vụ việc
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao thông tin một nữ sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử do bạo lực học đường. Nữ sinh này vốn học giỏi nhất nhì lớp, nhưng bất ngờ bỏ học và từng nói với mẹ “con sợ đi học, con sợ đến trường”. Sau đó, khi mẹ tìm hiểu ra mới biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.
Người mẹ đã đến trường xin cho con chuyển lớp, tìm cô chủ nhiệm để nhờ can thiệp. Nhà trường không đồng ý cho nữ sinh chuyển lớp mà hứa sẽ xử lý nghiêm vụ việc. Tuy nhiên, không thể chịu nổi áp lực, nữ sinh chọn cách giải quyết tiêu cực là tự tử.
Theo báo cáo gửi Bộ GDĐT về vụ việc trên do bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh ký, tối 15/4, trường nhận thông tin nữ sinh N.T.Y.N. (lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh) tự tử tại nhà riêng phường Trung Đô, TP Vinh.
Ban giám hiệu khẩn trương làm việc với Trường THPT chuyên, trợ lý quản sinh, Đoàn thanh niên trường, giáo viên chủ nhiệm và đại diện học sinh lớp 10A15. Trường đã cử đại diện đến phúng viếng, tiễn đưa em N.T.Y.N. về nơi an nghỉ cuối cùng.
"Lãnh đạo Trường Đại học Vinh yêu cầu Trường THPT chuyên phối hợp với cơ quan chức năng, gia đình để điều tra và làm rõ nguyên nhân sự việc đau buồn này", báo cáo nêu và bác bỏ đoạn clip nhóm nữ sinh đánh nhau lan truyền trên mạng được cho là liên quan đến cái chết của nữ sinh. Theo báo cáo của trường: "Nữ sinh xuất hiện trong clip này không phải học sinh N.T.Y.N. và không nằm trong khuôn viên trường”.
Về vụ việc này, đại diện Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ đã trao đổi với Trường THPT chuyên Đại học Vinh và Sở GDĐT Nghệ An. Bộ yêu cầu, các đơn vị điều tra, sớm làm rõ vụ việc.
Đồng thời, Bộ GDĐT cũng đề nghị các đơn vị kịp thời quan tâm, động viên, ổn định tinh thần học tập của học sinh, tránh những diễn biến tiêu cực tâm lý các em.
Trang bị kỹ năng sống cho học sinh
Phân tích về vụ việc trên, chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn – Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cách trả lời của nhà trường là thoái lui trách nhiệm. Về mặt hành chính, nhà trường đúng nhưng đứng về mặt tâm lý, ông Sơn cho rằng, nhà trường chưa quan tâm tới việc bảo đảm sức khỏe cảm xúc cho học sinh.
Theo ông Sơn, thực tế một số trường chuyên hiện nay chủ yếu tập trung tối đa về sức khỏe trí tuệ mà xao nhãng sức khỏe cảm xúc của học sinh.
Bạo lực học đường lâu nay trở thành mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội, đặc biệt vấn nạn này đang có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây ám ảnh dư luận. Đáng nói, nguyên nhân đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng rồi để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
Ngoài việc học sinh bắt nạn nhau, ông Sơn đặt câu hỏi: “Liệu học sinh có bị giáo viên bắt nạt”. Một câu hỏi tế nhị nhưng không ai dám khẳng định là “không có” bởi theo ông Sơn, kỹ năng ứng xử của giáo viên hoàn toàn khác nhau.
Trong khi đó, nhiệm vụ được giao của giáo viên cần phải hoàn thành đạt thành tích, do đó công việc của giáo viên hay cán bộ quản lý như một đơn vị tổ chức sản xuất chứ không chỉ là tổ chức giáo dục. Ông Sơn cho rằng: “Chứng kiến những hậu quả đau lòng từ bạo lực học trường, bản thân giáo viên, cán bộ quản lý cần phải có cái nhìn trực diện và dám đón nhận trách nhiệm một phần về phía mình chứ không thể vô can, đổ thừa cho xã hội”.
Song song với việc dạy đạo đức, nhà trường nên trang bị kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng sống độc lập, tự chủ, đối mặt với áp lực. Đây là những kỹ năng mà theo ông Sơn trường học của chúng ta chưa chú trọng.
Ông Sơn phân tích: “Đa phần chúng ta chỉ nhìn nhận bạo lực học đường là đánh nhau nhưng bên trong về mặt tư duy cảm xúc thì bạo lực học đường xuất phát từ trêu ghẹo, cô lập, lan tin đồn, bắt nạt và băng nhóm. Trong những vụ việc này, vai trò của cha mẹ rất quan trọng để hiểu tâm lý của con, gỡ rối và đưa ra các giải giáp, cảnh báo hướng dẫn để con biết đối diện với bạo lực học đường ở hình thức nào đó”.
Về phía nhà trường, chuyên gia này cũng cho rằng, giáo viên, nhà trường nên đưa ra nhiều hoạt động, đan xen các bài tập tình huống tránh xung đột dẫn tới bạo lực học đường vào các buổi sinh hoạt, thay vì kiểm điểm học sinh như cách làm của một số trường hiện nay.
“Học sinh ở bậc THCS thường có tâm lý thích nổi trội, khẳng định cái tôi, còn học sinh ở bậc THPT có tâm lý độc lập thử nghiêm, muốn làm những gì mình muốn. Giáo viên cần nhìn vào cái gốc tâm lý của học sinh để chia sẻ, thiết lập quy trình an toàn cho học sinh. Điều này phụ thuộc vào góc nhìn của giáo viên”, ông Sơn nói.