'Cấm sóng' nghệ sĩ lệch chuẩn - Bài 1: Muộn còn hơn không
Cùng với nhiều lùm xùm về đạo đức, những hành vi lệch chuẩn, phản cảm, vượt rào liên tiếp xuất hiện của các nghệ sĩ thời gian qua khiến câu chuyện về “cấm sóng” hay “phong sát” lại được đưa ra bàn thảo.
Dự kiến tháng 10 tới đây, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) sẽ hoàn thành quy trình hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo với nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
"Cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn"… nhằm từng bước làm lành mạnh không gian, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nghệ sĩ lệch chuẩn đến xã hội, nhất là với giới trẻ.
Xin lỗi là chưa đủ
Trước thông tin bộ luật về quy trình hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo với nghệ sĩ KOLs vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sắp được ban hành, không ít khán giả nhắc lại những lời xin lỗi của một vài nghệ sĩ. Bởi, khi vướng vào lùm xùm, nghệ sĩ chỉ cần một lời xin lỗi là xong, gần như chẳng phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về hậu quả gây ra.
Hương Giang Idol xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân, Đàm Vĩnh Hưng xin lỗi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Mỹ Tâm xin lỗi nhạc sĩ Vũ Quốc Hùng hay Trấn Thành xin lỗi khán giả... Hai từ “xin lỗi” đã được rất nhiều nghệ sĩ sử dụng sau khi xảy ra những hành vi sai lầm.
Những lời xin lỗi không khiến dư luận thấy rằng, nghệ sĩ đã hoàn toàn nhận sai. Tất nhiên, đã sai phải sửa, việc nghệ sĩ nhận sai sẽ giúp xoa dịu phần nào nỗi bất bình của những người đang thất vọng vì trót đặt niềm tin vào thần tượng mà họ yêu mến.
Thế nhưng, khán giả ngày càng nghiêm khắc hơn với những làn sóng tẩy chay mạnh mẽ. Xin lỗi không thôi là chưa đủ. Để làm cho môi trường văn hóa trở nên lành mạnh, nghệ sĩ nhất thiết phải chịu trách nhiệm với những hành vi của mình.
Một nghệ sĩ gạo cội đã nói, nghệ sĩ làm công việc văn hóa nghệ thuật, là một nghề hết sức thiêng liêng; nên khi chọn nghề này, đã là điều gì đó thuộc về trái tim. Chữ nghệ sĩ vì thế, đã nói lên những gì cao quý rồi, và lương tâm của người làm nghề - của một nghệ sĩ sẽ tự biết làm gì và làm thế nào để được công chúng tin yêu.
"Hổng" hành lang pháp lý?
Thực tế, bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL ban hành từ năm 2021. Thế nhưng, do hoạt động không mang hiệu quả vì không có chế tài xử lý, nhan nhản những hành vi lệch chuẩn vẫn xuất hiện ở Showbiz.
Lợi dụng “lỗ hổng” về mặt pháp lý, nghệ sĩ có nhiều hành vi lệch chuẩn khiến dư luận vô cùng bức xúc. Một số nghệ sĩ dính ồn ào thời gian qua như: Hiền Hồ, Hữu Tín, Jack, Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh, Phương Oanh, Phạm Anh Khoa…
Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ lại ở mức đáng “báo động” như hiện nay. Trong số những nghệ sĩ kể trên, có người vi phạm pháp luật khi bị bắt vì sử dụng ma túy, có người dính lùm xùm về đời tư và ứng xử…
Thời điểm nghệ sĩ vướng ồn ào đời tư, đa phần đều bị khán giả lên án, tẩy chay. Một số khác bày tỏ sự bức xúc thông qua việc vùi dập bằng đủ thứ ngôn từ khó ưa. Tuy nhiên, do không có chế tài mạnh tay xử phạt, nhiều nghệ sĩ quay trở lại sau thời gian ngắn im ắng.
Khái niệm “Cấm sóng” được áp dụng lần đầu với diễn viên Hồng Đăng. Sau bê bối ở Tây Ban Nha, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) quyết định tạm dừng phát sóng các phim hoặc chương trình có hình ảnh diễn viên Hồng Đăng và thay thế bằng phim hoặc chương trình khác.
Đây là cách làm thường thấy ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, những người nổi tiếng vướng bê bối đời tư, có hành vi vi phạm pháp luật và trái đạo đức xã hội có thể bị cấm sóng vĩnh viễn, bị xóa hết hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bộ phim, các chương trình mà họ đã tham gia. Những người nổi tiếng đó thậm chí phải trả giá bằng con số gấp trăm lần so với những gì họ nhận được trước đó.
Tại Việt Nam, từ đơn vị quản lý nghệ sĩ lẫn khán giả, đều cho qua những bê bối của người nổi tiếng sau một thời gian sự việc bị chìm xuống. Mặc dù là những câu chuyện đời tư, nhưng với cương vị là một nghệ sĩ, người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, vấn đề đạo đức cá nhân cần phải được đề cao hơn hết.
(Còn tiếp...)